Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương (thứ ba từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ phải sang) kiểm tra mô hình lúa - tôm ở huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: Đối với vùng lợ - ngọt xen canh, tỉnh chuyển đổi sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm với trên 50.000ha. Hiện nay, mô hình lúa - tôm đạt hiệu quả rất cao, vì vậy tỉnh chuyển dần diện tích nuôi chuyên tôm sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, hoặc 2 vụ tôm - 1 vụ lúa. Đồng thời chuyển dần diện tích rất lớn theo mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm để thích ứng với biến đổi khí hậu.
MỘT BỤI ĐỎ - LOẠI LÚA CHỊU MẶN
Trước đây, khu vực huyện Phước Long, Hồng Dân là vùng đất hoang hóa vừa nhiễm phèn vừa nhiễm mặn, rất khó canh tác. Sau khi chuyển đổi sản xuất, hầu hết nông dân chuyển sang nuôi tôm, một số khu vực nhiễm mặn cũng chuyển sang nuôi tôm. Tuy nhiên, do nuôi tôm trong một thời gian dài, đất khu vực này bị thoái hóa, nhiều vụ tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại.
Trước tình hình đó, ngành chức năng đã trình diễn mô hình lúa - tôm và đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Sau khi rửa mặn đất, nông dân cấy giống lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm và kết hợp nuôi tôm dưới gốc lúa. Không ít hộ nông dân vươn lên khá giàu từ mô hình này.
Nhờ những chính sách đầu tư phù hợp của ngành chức năng, địa phương cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, giờ đây vùng đất nhiễm phèn mặn không những đã trồng được lúa Một bụi đỏ mà còn xây dựng được mô hình lúa - tôm có giá trị kinh tế cao, đời sống của bà con khởi sắc từ mô hình "con tôm ôm cây lúa".
Sau một thời gian, giống lúa Một bụi đỏ có dấu hiệu bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng giảm, huyện Hồng Dân đã phục tráng, chọn tạo lại cho ra giống lúa Một bụi đỏ chịu được mặn từ 3 - 4‰ và chịu phèn cao, rất thích hợp cho những vùng đất làm mô hình lúa - tôm.
Ngoài việc mở rộng mô hình lúa - tôm ở các huyện: Phước Long, Hồng Dân, tỉnh đã nhân rộng mô hình này ở TX. Giá Rai. Ông Đặng Tấn Hoài, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh (TX. Giá Rai), cho biết: “Tuy xã chỉ mới có hơn 80ha áp dụng mô hình lúa - tôm nhưng hộ nào sản xuất cũng đạt hiệu quả. Vì vậy năm 2018, xã khuyến cáo nông dân các ấp 19, 20, 21 nhân rộng mô hình lúa - tôm khoảng 500ha. Đồng thời hướng dẫn bà con tận dụng bờ vuông trồng rau màu, khoai mì, trồng cỏ nuôi bò... để tăng thêm thu nhập”.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế TX. Giá Rai, năng suất vụ lúa trên đất tôm năm 2017 đạt 5 tấn/ha; tôm nuôi đạt 300 - 400kg/ha/năm, thu nhập bình quân 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, khẳng định: “Lúa - tôm là một trong những mô hình sản xuất đạt hiệu quả và bền vững. Thị xã xem đây là một trong những mô hình xóa đói giảm nghèo của các vùng chuyển đổi. Năm 2018, thị xã sẽ tập trung xây dựng đề án sản xuất lúa trên đất nuôi tôm theo từng xã cụ thể, thành lập tổ hợp tác, chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn thị xã đầu tư vốn cho nông dân. Đồng thời đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm; hỗ trợ máy móc, phương tiện cho nông dân...”.
* Mô hình lúa - tôm ở TX. Giá Rai đạt hiệu quả cao.
* Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: M.Đ
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU LÚA SẠCH
Diện tích vụ lúa - tôm 2017 - 2018 của tỉnh là 33.747ha, trong đó có khoảng 70% là lúa Một bụi đỏ (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý). Theo ông Phan Thanh Duy, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân: “Huyện đang khuyến khích nông dân ở vùng nuôi tôm gặp khó khăn về nguồn nước mặn chuyển sang mô hình lúa - tôm; vận động nông dân cấy lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm. Từ đó, tạo vùng lúa nguyên liệu rộng lớn để doanh nghiệp thuận tiện bao tiêu sản phẩm. Lúa Một bụi đỏ sản xuất theo mô hình lúa - tôm có thể nói là lúa “sạch” vì không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật). Vì vậy có thể xây dựng thương hiệu lúa Một bụi đỏ xuất khẩu”.
Trong bối cảnh chất lượng nhiều giống lúa mùa đặc sản bị mai một so với các loại gạo nhập khẩu, thì gạo Một bụi đỏ Hồng Dân được xem là một thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu gạo ở ĐBSCL. Đồng thời, từ sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông đã xây dựng một mô hình luân canh lúa - tôm hiệu quả ở một vùng đất chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một trong những cái khó là khâu tiêu thụ lúa gạo. Mặc dù đã cải thiện phẩm chất hạt gạo, quy trình canh tác an toàn, thương hiệu gạo Một bụi đỏ đã được thị trường biết đến, nhưng sự tham gia bao tiêu của các doanh nghiệp vẫn chưa giúp nông dân an tâm sản xuất.
Được mệnh danh là một trong những loại gạo ngon nhất nước ta hiện nay, rất cần có những chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, phát huy tiềm năng của giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có đủ số lượng và chất lượng cho nhu cầu thị trường. Do vậy, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nhân rộng mô hình lúa - tôm nhằm nâng cao sinh kế cho người dân vùng nông thôn.
MINH ĐẠT/baclieu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn