Ông Mạnh (bìa phải) trao đổi hiệu quả hoạt động của chiếc máy chặt mía với nông dân.
Lão nông “gàn”
Về xã Chư Răng hỏi ông Mạnh (tên thường gọi của ông Dũng) hầu như ai cũng biết. Biết không chỉ vì ông có đến 52 ha đất mía mà biết vì tính liều, thích là làm liền của ông... Hồi trẻ, Mạnh bán hết nhà cửa vào Ayun Pa buôn bán nhưng chả thấy lời lãi gì. Còn dư được một chút, Mạnh đem tiền mua gần 3 ha đất ở Ia Pa để trồng mía. Thời đó, kể cả bây giờ là vùng đất khó khăn “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Nhiều người đánh giá cú “đầu tư” này là mang tiền đi vứt. Vậy mà ông Mạnh thành công. Làm liền mấy năm, lãi được bao nhiêu Mạnh đều đổ tiền vào mua đất. Từ đất, giờ Mạnh cầm trong tay mỗi năm hơn tỷ bạc lãi ròng từ nghề trồng mía…
Cái mà người ta nể phục ông là ở cái tính khí khác người, dám nghĩ dám làm. Thời người ta còn trồng mía bằng tay, công lao động đắt đỏ 150-200 nghìn đồng/ngày mà nhiều khi kiếm người không ra, ông đã tính đến chuyện mua máy cày, máy trồng mía, máy bón phân. Nghĩ là làm. Cứ dành dụm được báo nhiêu là ông lại theo đòi hết vào giấc mơ cơ giới hóa rồi nhận bao tiêu cho bà con trong vùng từ khâu cày đất, trồng mía, làm cỏ, bón phân cho đến khâu thu hoạch. Nhiều người mỗi năm chỉ phải ra ruộng mía ba lần, rồi đến nhà máy nhận tiền. Nhiều hộ neo người vẫn làm hàng chục ha mía cũng nhờ công cơ giới hóa của ông Mạnh… Bấy giờ người ta mới thấm thía và biết ơn thầm cái tính “gàn” của ông.
Và chiếc máy chặt mía thứ 7
Thế nhưng tất cả vẫn chưa làm ông thỏa mãn. Nghe nói một số nơi nay đã có máy chặt mía, tìm hiểu trên mạng rồi đi tham quan thực tế ở Tây Ninh, Thái Lan để mục sở thị, ông Mạnh quyết phải mua cho bằng được. Để có được chiếc máy chặt mía hơn chục tỷ nhập nguyên chiếc từ Mỹ về, ông Mạnh liều mạng cầm cố toàn bộ đất đai, nhà cửa để vay ngân hàng… Theo thông tin từ Công ty cổ phần Mía đường đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) thì cả nước mới có 7 chiếc xe chặt mía loại này, và ông Mạnh là chủ của một trong hai chiếc xe ở Gia Lai (một chiếc của SEC).
Ông hồ hởi kể “Con xe hơn chục tỷ bạc, kèm thêm chiếc xe để chở phụ tùng, dầu mỡ hơn tỷ nữa cũng tròm trèm 12 tỷ đồng”. Thế nhưng cái lợi thì đã nắm rõ trong bàn tay: Chiếc xe chặt mía mỗi ngày chặt chừng 300 tấn (khoảng 4 ha) bằng khoảng 200 -240 công lao động. Đấy là máy chạy bình thường, còn chạy hết công suất thì phải 600 tấn ngày. Cái lợi không chỉ ở nhân công mà còn ở cả nguyên liệu. Do không mất thời gian chờ đợi, mía không bị bốc hơi, hao hụt nên trung bình mỗi ha mía thường lợi chừng 10 tấn mía. Với giá mua hiện tại cũng lợi được 8 triệu đồng rồi. Cái khó duy nhất là ruộng phải không đá, không gốc cây vì mỗi chiếc lưỡi chặt mía giá những 23 triệu đồng…
Ông Lê Thanh Hùng, làng Plei Tù, xã Chư Răng chủ nhân của 16 ha mía đang thu hoạch cho biết: Giờ đi tìm người chặt mía khó lắm, tôi chờ ông Mạnh lâu rồi, giờ chỉ việc tới ruộng đứng xem”. Ông Phạm Văn Hiệp - Chuyên viên phụ trách cơ giới của SEC cho biết: Việc đưa cơ giới hóa các công đoạn của trồng mía là xu thế chung và vấn đề then chốt, mang yếu tố sống còn đối với ngành mía đường. Trong khi giá nhân công lao động ngày càng cao, và khan hiếm vào mỗi vụ thu hoạch, thì việc sử dụng cơ giới là điều tất yếu. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động mà còn đáp ứng yêu cầu hạ giá đường thành phẩm của công ty…
Ông Trần Đình Dũng: Con xe hơn chục tỷ bạc, kèm thêm chiếc xe để chở phụ tùng, dầu mỡ hơn tỷ nữa cũng tròm trèm 12 tỷ đồng. Thế nhưng cái lợi thì đã nắm rõ trong bàn tay: Chiếc xe chặt mía mỗi ngày chặt chừng 300 tấn (khoảng 4 ha) bằng khoảng 200 -240 công lao động. Đấy là máy chạy bình thường, còn chạy hết công suất thì phải 600 tấn ngày.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn