Mô hình nuôi lợn siêu nạc đang được nhân rộng ở Quảng Điền.
Bắt đầu từ năm 2012, Quảng Điền đã triển khai đề án nuôi lợn giống tỷ lệ nạc cao, với số lợn nhập vào nuôi là 1.866 con. Số lợn đã sinh sản, khai thác là 1.614 con, số lợn đã nghiệm thu 1.395 con (1.361 nái F1, 21 đực giống, 11 nái ngoại trang trại, 2 nái ngoại vùng giống nhân dân); kinh phí cấp hỗ trợ là 1.132.270.000 đồng. Trong năm nay, toàn huyện đưa vào thả nuôi 890 con, với kinh phí cấp hỗ trợ cho người chăn nuôi là 247,86 triệu đồng.
Gia đình chị Lê Thị Hường là một trong 52 hộ đầu tiên trên địa bàn xã Quảng Phước đăng ký tham gia đề án phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao. Đến nay, những con lợn nái F1 của gia đình chị đã sinh sản lứa thứ hai với 30 lợn con. Lợn con khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao hơn so với những lứa nuôi lợn nái Móng Cái trước đây. Chị Hường tâm sự: “Gia đình tôi nuôi được 2 con lợn nái, sau 2 lần sinh được 35 con heo thịt. Bán ra cũng thu gần 50 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng 30 triệu đồng”.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có 850 hộ ở 11 xã, thị trấn nhận nuôi 2.756 con lợn giống F1, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Nhìn chung, lợn con sinh ra tỷ lệ sống cao, phát triển tốt. Quan trọng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của người dân, họ đã chủ động tiếp cận, hưởng ứng và tham gia tích cực vào đề án. Không chỉ chú trọng xây dựng chuồng trại khoa học, thức ăn đảm bảo chất lượng để đàn lợn sinh sản tốt mà bà con đã quan tâm hơn đến việc tiêm phòng cho đàn lợn. Qua đánh giá ban đầu, năng suất sinh sản của lợn nái, năng suất sinh trưởng của các con lai trong các tổ hợp lai cũng như năng suất và chất lượng thịt của đàn lợn khá tốt. Tại các mô hình trang trại và nông hộ nuôi nái ngoại và lợn thịt, số lợn con đẻ ra còn sống đạt trung bình 10 con/lứa; bình quân đạt hơn 2,1 lứa/năm; tỷ lệ thịt nạc/thịt xẻ đạt hơn 50% (tỷ lệ này ở giống lợn địa phương là hơn 30%). Đàn lợn nái dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng khoảng 300.000 đồng/đầu lợn so với nuôi giống lợn địa phương. Bên cạnh đó, đề tài còn lựa chọn, hoàn thiện và hướng dẫn bà con nông dân áp dụng sáu quy trình kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với điều kiện tại chỗ.
Gia đình bà Hồ Thị Hồng (xã Quảng Lợi) đã nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn; hiện đang nuôi 30 con lợn siêu nạc. Bà Hồng cho biết: “Nuôi lợn hướng nạc có nhiều ưu điểm hơn các giống lợn khác trong việc chăm sóc, phòng bệnh, ít phải lo đầu ra của sản phẩm, bởi nhu cầu trên thị trường là rất lớn. Vì vậy, từ khi chăn nuôi lợn, tôi đã chú trọng đến giống lợn hướng nạc và vẫn duy trì nuôi cho tới bây giờ. Giá lợn hướng nạc thương phẩm so với các giống khác thường cao hơn”.
Cũng như vậy, trang trại chăn nuôi của anh Trần Vĩnh Cườm trên vùng rú cát xã Quảng Vinh đã đưa vào thả nuôi 70 con giống lợn siêu nạc. Khu chuồng trại được xây dựng khép kín, chia làm 5 khu cho mỗi loại lợn, gồm khu chuồng nái bầu, khu lợn sinh sản, khu lợn cai sữa, khu nuôi lợn thịt và khu cách ly, phòng khi có lợn bệnh. Giống lợn F1 nuôi nhanh lớn, bình quân mỗi tháng mỗi con tăng trọng từ 20-23kg và chỉ nuôi khoảng ba tháng là có thể xuất chuồng, mỗi năm nuôi được đến 4 lứa. Đồng thời, gia đình cũng đã xây hầm biogas, tận dụng chất thải chăn nuôi để làm khí đốt, vừa bảo đảm môi trường, lại có lợi nhuận cao. Đặc biệt, hiện nay trên vùng trang trại rú cát, ngoài việc đẩy mạnh nuôi lợn siêu nạc, Doanh nghiệp tư nhân Thạnh Lợi đang xúc tiến lập dự án chăn nuôi lợn nái ngoại, mỗi năm dự kiện sinh sản 20.000 lợn siêu nạc để cung ứng giống cho người dân.
Từ những kết quả trên cho thấy, việc phát triển đàn lợn nái F1 được các hộ nuôi trên địa bàn hưởng ứng tích cực và đạt kết quả cao, đặc biệt là các hộ chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, mở ra triển vọng làm giàu cho người dân. Trong thời gian tới, UBND huyện Quảng Điền tiếp tục chỉ đạo phát triển và nhân rộng mô hình nuôi lợn giống siêu nạc trên địa bàn.
Công Cường
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn