Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Chi đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) đã phát huy vai trò xung kích, tích cực giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn miền núingày càng khởi sắc.
Sau khi có chủ trương của Đảng chung tay góp sức vì mục tiêu xây dựng NTM, những tuyến đường liên thôn, bản đã được lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực tham gia, tạo nên những con đường bê tông mới khang trang, sạch đẹp. Có dịp cùng các ĐVTN Chi đoàn Sở NN&PTNT tham gia giúp bà con bản Nà Khan, xã Bình Lư, huyện Tam Đường làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi mới cảm nhận được hết tinh thần xung kích, tình nguyện của các ĐVTN nơi đây.
ĐVTN Chi đoàn Sở NN&PTNTgiúp bà con bản Nà Khan làm đường giao thông nông thôn.
Chưa đến 8 giờ sáng, các ĐVTN trong Chi đoàn đã có mặt tại bản, khẩn trương bắt tay vào công việc. Người cuốc đất, người bẩy đá, người nhào trộn xi măng… ánh nắng dịu nhẹ và những cơn gió cuối đông khiến không khí lao động càng thêm hăng say, tích cực… Sau một ngày làm việc khẩn trương, con đường mới dài hơn 1km đã hoàn thành khang trang, sạch đẹp.
Trong câu chuyện với bà con dân bản, chúng tôi được biết, trước đây mỗi khi vào mùa mưa, con đường độc đạo dẫn về bản vừa nhỏ, vừa gồ ghề khó đi. 2 bên đường không có rãnh thoát nước nên rất trơn trượt, và lầy lội. Nhờ bàn tay của các ĐVTN tình nguyện cùng bà con nhân dân trong bản, con đường hôm nay đã được mở rộng và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân…
Xác định vai trò, chức năng và nhiệm vụ, các ĐVTN trong Chi đoàn Sở NN&TPNT không chỉ xung kích tình nguyện vì cuộc sống cuộc đồng mà còn trực tiếp thực hiện nhiều mô hình thí điểm, giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng chí Lê Trọng Thưởng - Bí thư Chi đoàn Sở NN&PTNT cho biết: “Để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập, khi cơ quan tổ chức các mô hình trình diễn cây, con giống mới, Chi đoàn phát huy vai trò xung kích trực tiếp nằm vùng thực hiện, tình nguyện đến các xã vùng sâu vùng xa vùng, đặc biệt khó khăn giúp bà con đưa giống mới áp dụng vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc… Qua đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, người dân đã bắt đầu tiếp cận được với khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất tại địa phương”.
ĐVTN Chi đoàn Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN&PTNT) thí điểm mô hình nuôi thả tôm càng xanh chuyển giao cho nông dân.
Ông Khoàng Văn Ngó ở bản Phiêng Pa Kéo, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi có đất nhưng không biết trồng cây gì cho thu nhập. Năm 2011, được các ĐVTN Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn triển khai mô hình trồng giống đu đủ Hồng Phi tại xã, tôi mạnh dạn tham gia. Đến nay, vườn đu đủ nhà tôi đã cho thu hoạch, giống đu đủ mới sai quả, quả to nặng trên 2kg, với giá 5.000 đồng/1kg như hiện nay thì gia đình tôi sẽ thu được khoảng trên 2 triệu đồng/lứa. Với diện tích đất cằn thế này thì trồng đu đủ có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn”.
Cũng trong vụ mùa năm 2012, các ĐVTN Chi đoàn Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phong Thổ triển khai thực hiện thành công mô hình gieo sạ hàng tại xã Mường So với quy mô 1ha. Tham gia mô hình, bà con nông dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng, cấp công cụ sạ hàng, mô hình không chỉ giảm chi phí, công lao động mà còn nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Kết quả cho thấy, giống lúa này có khả năng kháng bệnh, chống đổ và đẻ nhánh tốt.
Được biết, Chi đoàn Sở NN&PTNT có 170 đoàn viên, chiếm trên 65% số lượng CB – CNVC trong cơ quan. Là lực lượng nòng cốt của Sở thời gian qua, lực lượng ĐVTN đã góp phần cùng Sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nổi bật lên là công tác: tham mưu giúp Sở thực hiện nhiều chương trình, dự án; chỉ đạo sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ gieo trồng. Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; bảo vệ và phát triển rừng; tham gia sắp xếp ổn định dân cư, góp phần đắc lực xây dựng nông thôn mới…
Với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng ĐVTN Chi đoàn Sở NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tích cực. An ninh lương thực đảm bảo. Năm 2012, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 600 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 175,4 nghìn tấn (tăng 10.400 tấn so với kế hoạch). Trong đó, sản lượng lúa đông xuân đạt 30.426 tấn; lúa mùa đạt 82.297 tấn; lúa nương đạt 4.979 tấn; ngô đạt 57.792 tấn. Tổng diện tích rau màu các loại đạt 2.058 ha, sản lượng 12.800 tấn. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6%. Tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 3.152 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 19.875 tấn. Tổng diện tích cây cao su đạt 9.500 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 43%...
Có thể nói, các mô hình nông,lâm nghiệp do ĐVTN Chi đoàn Sở NN&PTNT triển khai thời gian qua đã giúp bà con nông dân ngày càng được tiếp cận nhiều với các phương thức sản xuất mới, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động ở địa phương; đồng thời tạo sự chuyển biến về nhận thức, năng lực tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đó chính là tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở địa phương.
Năm 2012, ngành Nông nghiệp đã triển khai 27 mô hình, dự án khuyến nông, khuyến lâm. Trong đó, có 7 mô hình của Trung ương về lúa, thủy sản, chăm sóc cây lâm nghiệp; 7 mô hình là nguồn vốn địa phương; phối hợp với doanh nghiệp cung ứng sản xuất giống thực hiện 10 mô hình thử nghiệm về giống lương thực mới… Các mô hình đều có sự tham gia góp sức của lực lượng ĐVTN.
Theo Laichau Online