Trong khi những con sông tự nhiên đang dần cạn khô, đặc quánh rác, tanh hôi mùi tử khí thì lại có một người nghĩ ra ý tưởng đem rao sông nhân tạo để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản. Chàng trai đó mới chỉ ngoài hai mươi tuổi, là cựu vận động viên boxing chuyên nghiệp của tỉnh Hưng Yên, Vũ Duy Hào.
Hào đang thu hoạch cá |
Trong trận tranh chức vô địch của một kỳ đại hội thể dục thể thao anh bị đối thủ đấm tụt cả vai nên đành phải chấp nhận huy chương bạc, giải nghệ trở về với nghiệp làm nông, nuôi cá gia truyền. Và từ đây, anh còn bị xây xẩm mặt mày hơn xưa gấp bội bởi các trận đấu trên võ đài còn có thời gian ngơi nghỉ, còn có trọng tài phân định thắng thua nhưng những trận đấu giữa cuộc đời thì bất kể sớm khuya, mưa nắng.
Đã biết bao lần anh phải vớt cả tấn cá chết vì sự cố kỹ thuật hay dịch bệnh, bao lần phải chịu cảnh bão giá sản phẩm làm ra bán với giá rẻ mạt. Bề ngoài tỏ ra bền gan, bền chí nhưng nước mắt cứ chảy ngược, lặn vào trong, xa xót. Vất vả ngược xuôi mãi rồi cũng dần phải quen bởi cuộc đời đâu có cho anh thời gian đủ để để xỏ găng tay hay đeo ngàm bảo vệ răng như khi xưa từng chiến đấu?
Tình cờ một dịp bà Vũ Thị Thắm - Chủ nhiệm HTX thủy sản Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mẹ anh khi đi dự hội thảo của một công ty cám cò Mỹ đã được nghe chuyên gia ngoại kể về mô hình làm sông nhân tạo ở trong ao ở nước họ.
Mô hình đó thú vị ở chỗ năng suất đạt rất cao (37 tấn/trong khoảng 100m2 sông) trong khi chất lượng cá lại rất tốt vì đã cách ly khỏi bùn, không bị ám mùi. Chuyên gia ấy có phát tài liệu cho mọi người nhưng cả trăm đại biểu nông dân hôm đó hờ hững cầm, hờ hững nghe như chuyện người ta phóng tên lửa lên mặt trăng chứ không nghĩ là sẽ áp dụng được bởi không có hình vẽ tổng thể mà chỉ là những phần rời rạc, trừ có một người. Đó chính là mẹ của vận động viên boxing Vũ Duy Hào.
Lăn lộn từ người bán cá ngoài chợ thành tổng đại lý thủy sản của cả một vùng, sở hữu trong tay không biết bao nhiêu m2 đất mặt đường, giàu có thuộc dạng nhất nhì xã nhưng bà lại không chọn con đường an nhàn để tận hưởng. Sau khi đấu thầu, mua dần ngót 9 ha ruộng hoang ở quê bà đổ ra cả núi của để đào ao lập nên một HTX thủy sản và truyền lửa nghề cho các con.
Sau khi có được những hình vẽ rời rạc mà chẳng hiểu gì vì tiếng Tây một chữ bẻ đôi cũng không biết bà về bàn với con trai thử làm một dòng sông nhân tạo để nuôi thủy sản bởi vì thừa biết nhược điểm của cá nuôi trong ao tĩnh rất lười vận động, tiêu hóa chậm, thịt tanh hôi mùi bùn. Mất mấy ngày đêm Hào mới mày mò hình dung, tính toán để cho ra được toàn cảnh của dòng sông nhân tạo.
Cấu tạo của một con sông nhân tạo |
Xong đâu đấy thì thuê thợ xây, thợ cơ khí hoàn thiện luôn một cái dài 25m, rộng 5 m, sâu 2 m tường xây bằng gạch, đáy đổ bê tông, đầu vào là hệ thống bơm sục khí tạo dòng chảy ngầm qua một bức vòm cong, đầu ra là hệ thống hút phân. Tất cả được đặt trong một cái ao rộng 3.000m2. Trong sông nuôi cá với mật độ cao còn trong ao lấy nước vào sông thì thả 200-300 con cá mè để lọc sạch nước.
Lứa đầu tiên nuôi thất bại hoàn toàn vì vòm cong không đủ chuẩn, khí từ 144 cái ống nhỏ bên dưới thay vì đi ngầm để tạo dòng chảy cho sông lại thổi thẳng lên trời khiến cho 4 tấn cá điêu hồng, chép bên trong đột ngột mất ô-xy, ngửa trắng bụng, phải vớt bỏ.
Lần thứ hai dù đã tạo vòm chuẩn rồi nhưng vì làm bằng tôn nên nhanh chóng bị rỉ, hỏng. Lần thứ ba khi đã thay vòm bằng chất liệu inox thì lại đến sự cố lưới chắn bằng nhựa cản dòng chảy của nước, đinh vít lưới bằng chất liệu kém đã bung ra khiến cho cá bục từ “sông” tràn sang ao.
Mỗi lần như thế đều phải làm lại từ đầu rất mất thời gian mà cá có lứa có thì không thể nay thả, mai bắt được. Trải qua tất cả 4 thế hệ thì nay cơ bản nguyên lý của dòng sông nhân tạo đã hoàn thiện trong đó có nhiều cải tiến so với mô hình mẫu của Mỹ.
Nghe tin Hào là người đầu tiên ở Việt Nam làm được sông nhân tạo, một đoàn Tây đen có, Tây trắng có gần 20 người đã cùng kéo nhau về xứ đồng hẻo lánh này để xem xét tỉ mỉ từng bộ phận rồi đều nhất loạt giơ ngón tay cái lên, thán phục: “Tốt, rất tốt”.
Đàn cá dày đặc cảm giác như phải dùng tay rẽ ra mới thấy nước bên dưới. Hào gọi chúng là cá thể thao vì bơi lội 24/24 ít khi thấy nghỉ ngơi. Cá trong ao tĩnh ngày ăn 2 bữa đã là thừa thãi, gặp khi thời tiết xấu thì bỏ bữa nhưng cá nuôi trong sông vận động liên tục nên ngày phải cho ăn đến 4 lần.
Cận cảnh đàn cá |
Năng tập thể dục lại có chế độ ăn uống giàu đạm, hít thở đậm đặc o-xy nên chúng lớn nhanh như thổi, chất lượng thịt cũng khác hẳn, săn chắc, thơm ngon chứ không còn hôi tanh mùi bùn như cá nuôi ở trong ao. Diêu hồng khi mổ ra bụng hầu như không có màng đen như thường thấy mà hồng rực lên như một chỉ dấu đặc biệt sạch.
15 dòng sông đã được dựng lên trong những cái ao của HTX với tổng chi phí hết khoảng 5-6 tỉ đồng. Nước từ những sông ấy chứa nhiều dưỡng chất còn được lấy lên, ngâm ủ để phục vụ cho nuôi trồng rau sạch bằng công nghệ thủy sinh trong hệ thống nhà lưới rộng 700m2. Một vòng tròn khép kín và sinh thái cứ thế mà diễn ra tuần tự.
Tiếng sông chảy róc rách, tiếng cá đớp mồm bôm bốp, tiếng của những cái máy cho ăn, máy hút phân sè sè tự động di chuyển như một bầy rô-bốt đã hớp hồn không chỉ của những khách tham quan mà ngay cả chủ nhân của chúng.
Cá nuôi trong sông |
Chỉ cần ngắm đàn cá tung tăng bơi lội dưới sông đã đủ no nên nhiều khi Hào mê mải đến nỗi giờ ăn vợ phải chạy ra gọi mới chợt sực nhớ ra rằng mặt trời đã quá ngọ tự lúc nào. Có ông giám đốc ngân hàng huyện, chỗ thân cận của mẹ con Hào thấy khách vào ra trang trại nườm nượp đã mắng rằng: “Ai đến cũng tiếp, cũng chỉ dạy tỉ mỉ như thế rồi sau này nó làm ra hàng loạt sông lại cạnh tranh cho chính mình thì sao?”. Họ chỉ mỉm cười đáp rằng: “Nếu mà chúng tôi tham giữ công nghệ thì đã giàu từ lâu rồi. Cùng lan tỏa công nghệ nuôi sạch để cộng đồng làm theo thì đất nước mình mới mong có hàng nông sản sạch để mà ăn bác ạ!”.
Xây dựng một dòng sông nhân tạo từ trang thiết bị đến vật liệu tất tật hết khoảng 120-150 triệu nhưng Hào vẫn chỉ lấy người ta một chút công chứ không hề tính lãi từ phần công nghệ. Bởi thế mà đã có rất nhiều nông dân được chuyển giao công nghệ thành công như ông Chí ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có 3 cái, ông Quang ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có 5 cái, ông Lừng ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có 2 cái, ông Thành ở Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa có 2 cái… Tổng cộng đã có khoảng 20 dòng sông nhân tạo được bán ra như vậy và anh vẫn mong chờ những phản hồi, góp ý từ chính phía người dùng để thế hệ sau chúng thêm hoàn thiện.
Phải có ít nhất 1 ha mặt nước để có thể đặt được dòng 3 sông nhân tạo bên trong thì mới phát huy hết hiệu quả. Nuôi cá ở mật độ cao nên dòng điện phải như một dòng máu trong cơ thể luôn thông suốt để vận hành máy tạo ô-xy và giúp cá vận động.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn