|
Du khách tham quan đảo chè tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn |
Cánh đồng hoa hướng dương của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH (huyện Nghĩa Đàn,
Nghệ An) đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài tỉnh Nghệ An đến chiêm ngưỡng. Được trồng ban đầu với mục đích cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò, nhưng khi những bông hoa hướng dương nở rộ đồng loạt đã tạo nên cảnh đẹp hấp dẫn, thu hút số đông mọi người đến thăm quan, thưởng ngoạn.
Vẻ đẹp của cánh đồng hoa hướng dương nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, hàng năm thu hút trên 2 triệu lượt khách đến. Cũng từ cánh đồng hoa hướng dương, địa danh Nghĩa Đàn được nhiều người biết đến, tạo điều kiện cho huyện quảng bá hình ảnh quê hương và phát triển các loại hình dịch vụ.
Đảo chè (huyện Thanh Chương) cũng được du khách biết đến do tại đây có những đồi chè xanh cùng với đập thủy lợi Cầu Cau đã tạo nên những nét đẹp riêng có, hấp dẫn du khách. Hàng năm, đảo chè đón hàng vạn lượt khách đến tham quan. Thông qua đảo chè đã giúp huyện Thanh Chương quảng bá được hình ảnh, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè. Một số dịch vụ du lịch khác liên quan đến đảo chè cũng được phát triển, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho lao động.
Du lịch trải nghiệm cườn cam ở huyện miền núi Con Cuông được hình thành từ ý tưởng mô hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch canh nông tại bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Khi cam vào mùa thu hoạch, khách du lịch được tham gia hái cam và thưởng thức cam tại vườn của các hộ gia đình trồng cam. Mô hình này không chỉ giúp người trồng cam có thêm thu nhập mà còn là để quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu cam Vinh.
Tại Nghệ An, du lịch canh nông là loại hình du lịch mới, thu hút khá đông du khách. Tuy nhiên hiện nay loại hình du lịch này chủ yếu vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún và chưa có quy hoạch cụ thể; cơ sở hạ tầng tại những nơi du lịch canh nông còn thiếu, chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, việc liên kết với các công ty du lịch, công ty lữ hành còn hạn chế, dẫn đến việc quảng bá, xúc tiến mô hình du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, người dân tham gia làm du lịch canh nông chưa được đào tạo nên chưa có nhiều kỹ năng làm du lịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng, Nghệ An là địa phương có thuận lợi để phát triển loại hình du lịch canh nông. Đơn cử, như Nghệ An là tỉnh có diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình phong phú; nông nghiệp phát triển đa dạng với nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi…
Giải pháp phát triển du lịch canh nông đang được ngành nông nghiệp và các ngành, địa phương liên quan đề ra đó là cần có quy hoạch, định hướng một cách khoa học các vùng, các địa phương, các trang trại, các sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia loại hình du lịch canh nông. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí về du lịch canh nông để triển khai cho các địa phương; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết khác để làm du lịch canh nông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch để phát triển du lịch canh nông. Liên quan đến Đảo chè (huyện Thanh Chương), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) đã nghiên cứu để triển khai dự án du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, tổng vốn đầu tư 1.532 tỷ đồng, trên diện tích 449 ha.