Nhờ cơ chế chính sách hỗ trợ và cho vay vốn của Đảng, Nhà nước, đã giúp cho nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Do vậy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các sản phẩm mới đáp ứng đủ điều kiện cạnh tranh với hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Được mọi người trong xã giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Nhiệu và ông Ngô Quang Mơn ở xóm 6 thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thành phố Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác còn ở quy mô nhỏ, mang tính chất mùa vụ, nhưng với tình yêu quê hương, khát vọng về một tương lai tươi sáng, ông Ngô Văn Nhiệu và ông Ngô Quang Mơn đã sớm tham gia HTX Dịch vụ Thương mại Cát Tường, xã Tráng Việt từ rất sớm, cùng lao động sản xuất và được HTX hướng dẫn tiếp cận khoa học, kỹ thuật canh tác mới để tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.Trong phong trào phát triển kinh tế trang trại, các ông là những gương điển hình của HTX DV TM Cát Tường nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất với quy mô tập trung mang lại kết quả thiết thực, phát triển kinh tế gia đình và là động lực cho các hộ khác vươn lên làm giàu. Quãng thời gian làm việc trong HTX nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết, sau bao nhiêu năm, hiện nay hai ông đang là chủ của hai trang trại kết hợp vừa trồng trọt các loại rau, cây ăn quả và chăn nuôi lợn quy mô lớn, cho thu nhập vài tỉ đồng mỗi năm, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê Tráng Viêt, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Gian nan càng vững thêm ý chí
Sinh ra trong những gia đình làm nghề nông nghiệp tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ngay từ đầu, hai người bạn Ngô Văn Nhiệu và Ngô Quang Mơn đã nung nấu ý nghĩ phải làm sao để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ ý nghĩ đó, với sự thông minh, nhạy bén và quyết tâm, hai ông đã tự mày mò, nghiên cứu sách báo, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất từ Internet và tham gia các lớp tập huấn để trang bị kiến thức cho mình. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, để có thể đứng ra làm kinh tế gia đình theo hướng kinh tế trang trại họ đã phải chắt chiu dành dụm từng đồng mới có được một số vốn nhất định cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Từ bãi phá lò gạch ban đầu với diện tích hơn 25 ha, hai ông được xã tạo điều kiện cho thuê lại trong vòng 5 năm một, từ đó các ông đã vay vốn để đầu tư cải thiện san gạt xây dựng trang trại. Lúc mới bắt tay vào làm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi nên mô hình trang trại của hai ông gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thậm chí có đợt giá thịt lợn hơi giảm hay do dịch bệnh triền miên, số tiền mua thức ăn và vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm ngày càng tăng nên hầu như việc chăn nuôi của hai gia đình rất chật vật. Khó khăn là thế nhưng hai ông chưa bao giờ lùi bước, từ thất bại ban đầu họ nhận ra rằng, phải trang bị cho bản thân kiến thức khoa học kỹ thuật, học cách chăn nuôi và xây dựng trang trại hợp lý, khoa học. Điều đó thúc đẩy họ tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều mô hình làm kinh tế mới, có hiệu quả, đúc rút những kinh nghiệm quý báu cho bản thân để thay đổi kỹ thuật và làm mới mô hình trang trại của mình.
Trồng cây đến ngày hái quả
Người ta thường nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”, sự cố gắng không ngừng nghỉ của hai người nông dân này đã được đền đáp, hiện nay mô hình trang trại đất nông nghiệp mà ông Nhiệu và ông Mơn đã đổ bao mồ hôi nước mắt có quy mô ngày càng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập vài tỉ đồng/năm.
Nhờ phần lợi nhuận kiếm được cuộc sống của gia đình họ đã khá hơn trước, có một phần chi phí để sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Hiện mô hình trang trại này được xây dựng theo hướng chuyên trồng các loại cây như: chuối, bưởi, cam với số lượng 2000 cây... kết hợp với chăn nuôi gà, lợn rừng, lợn trắng (500 con), ngoài ra còn trồng thêm các loại rau sạch phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Với việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi đã giúp mô hình phát huy được lợi thế, vừa cung cấp nông sản, vừa có thêm thức ăn cho chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi. Sắp tới, ông Nhiệu và ông Mơn có ý định sẽ mở rộng trang trại thêm quy mô lớn hơn, đa dạng các loại nông sản cây trồng, vật nuôi.Trước mắt sẽ tăng số lượng cây trồng, nuôi thêm đàn lợn, rồi sau đó có thể tìm hiểu và nuôi thêm vật nuôi khác.
Đã có rất nhiều người tò mò hỏi hai ông rằng có sợ gặp phải rủi ro không, ông Nhiệu tâm sự rất tự nhiên: “Lúc đầu khi quyết định đầu tư là tôi đã chấp nhận rủi ro rồi, nhiều hôm cả đêm trằn trọc không ngủ được để nghĩ cách có thể đưa mô hình trang trại của mình vượt qua khó khăn, phát triển vững mạnh và có hiệu quả. Đúng là ông trời không phụ lòng người, hiện nay trang trại của tôi và ông Mơn đã đi vào ổn định. Bây giờ tôi chỉ mong muốn được xã tạo điều kiện cho thuê lâu dài để yên tâm sản xuất góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.
Nhìn vào những kết quả đạt được ngày hôm nay, đó là cả một quá trình lao động cần cù, biết vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của các ông. Bên cạnh việc làm giàu cho gia đình, trong những năm qua họ cũng không ngại ngần hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, khuyến khích bà con trong thôn, xóm phát triển kinh tế hộ trang trại. Trao đổi và nghe các ông kể về con đường làm giàu của mình, tôi không khỏi ngưỡng mộ những người nông dân nhỏ bé hiền lành, một nắng hai sương nhưng lại chứa trong mình sự quyết tâm to lớn, luôn đau đáu một hoài bão sẽ cống hiến và góp phần phát triển mảnh đất quê hương mình đang sống.
Để có được ngày hôm nay, ông Ngô Văn Nhiệu và ông Ngô Quang Mơn đều có những xuất phát điểm chung đầy khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, ước mơ làm giàu vẫn luôn cháy bỏng trong họ, thôi thúc họ lao động, đổi mới, sáng tạo. Từ những mảnh đất khô cằn đầy nắng gió, họ đã gây dựng nên cuộc sống no đủ và trở thành những người chủ đầy tâm huyết.Trong tương lai họ luôn mong muốn các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện và ủng hộ cho việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp và cây trồng vật nuôi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, những người nông dân này cũng rất thích kết bạn và luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng chung ý tưởng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn