Ông Mai Văn Dự, trú tại xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) chuyển đổi 2 ha đất lúa kém năng suất thành ao hồ nuôi cá giống nước ngọt. Mạnh dạn với cách làm và kinh nghiệm riêng, ông đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt trong năm nay, ông đã ương và xuất bán 15 - 16 vạn cá giống, trừ chi phí, ông Dự thu về khoảng 300 triệu đồng.
Sản lương cá giống của mô hình ước đạt trên 74 vạn con - Ảnh: Ngọc Diệp
Xã Khánh Cư hiện có trên 40 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với khoảng 20 hộ nuôi cá giống. Việc ương nuôi cá giống nhàn hơn so với cấy lúa và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo tính toán, thu nhập từ nuôi trồng thủy sản cao hơn cấy lúa 3 - 4 lần, do vậy diện tích nuôi trồng thủy sản tại Ninh Bình không ngừng tăng lên qua các năm; chỉ tính riêng diện tích lúa - cá tại các địa phương đã có tới 3.000 - 4.000 ha.
Đặc biệt trong năm 2016, được Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình chọn tham gia thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ương nuôi cá giống tập trung”, gia đình ông Dự được hướng dẫn về kỹ thuật và được hỗ trợ nguồn cá bột chất lượng nên cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, giống đẹp. Cùng sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật, toàn bộ cá giống tại các hộ đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt kích cỡ 39 - 45 con/kg, tỷ lệ sống 61 - 67%. Ước tính sản lượng cá giống từ mô hình là trên 74 vạn con, doanh thu ước đạt trên 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng/ha.
Theo ông Dự và những người ương nuôi cá giống tại Yên Khánh, khó khăn hiện nay là nguồn con giống nhập về vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của các địa phương khác. Bên cạnh chất lượng con giống không đảm bảo, giá thành cao, người ương cá giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào giá của những thương lái nhỏ lẻ. Bởi, họ hoàn toàn tự ý nâng giá thành sản phẩm tùy theo thời điểm và nhu cầu thị trường, khiến đầu vào cá giống luôn bị động. Hơn nữa, việc vận chuyển xa khiến hao hụt, tỷ lệ sống của cá giống cũng giảm, chi phí vận chuyển cũng tốn kém hơn so với mua trong tỉnh. Trong khi, việc cung ứng con giống tại địa phương chỉ đáp ứng được 20%.
Theo đó, để có thể chủ động được sản xuất cũng như có được nguồn con giống chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất; người dân địa phương mong muốn Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình triển khai nhiều hơn nữa những mô hình, dự án nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất một số loại cá giống truyền thống để chuyển giao đến người nuôi. Đồng thời, tận dụng và phát huy những tiềm năng về diện tích nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy nghề sản xuất cá giống trong dân phát triển, tạo con giống chất lượng, giá thành phù hợp, cung cấp nhu cầu tại chỗ của người nuôi trong toàn tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn