Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên tỷ lệ lươn sống của gia đình ông Đỗ Hữu Biên ở thôn Hoàng Thượng, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đạt cao
Thực hiện dự án khuyến nông Trung ương, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình nuôi thâm canh lươn đồng theo phương pháp trong bể bạt tại 2 xã Hoàng Đông (Duy Tiên) và Thanh Lưu (Thanh Liêm). Mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu nhất là mô hình của hộ ông Đỗ Hữu Biên. Ông Biên chia sẻ, vì lươn là giống nuôi còn khá mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau khi căng bạt làm bể ông đã tìm mua một lượng nhỏ lươn ngoài tự nhiên về thả để tìm hiểu về đặc tính của loài vật này. Ban đầu chỉ cho lươn ăn cám công nghiệp nhưng thấy lươn chậm lớn và tỷ lệ hao hụt cao. Cuối tháng 5/2014, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam hỗ trợ toàn bộ số lươn giống (6.000 con). Đây là giống lươn đồng đã được nuôi thuần dưỡng, vì vậy chất lượng tốt hơn, kích cỡ lươn đều nhau tránh tình trạng lươn lớn ăn lươn bé. Ngoài ra, gia đình ông còn được trung tâm hỗ trợ một phần thức ăn cho lươn. “Trong thời gian thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên cử cán bộ và kỹ thuật xuống kiểm tra mô hình, hướng dẫn cách chăm sóc và kịp thời xử lý nếu lươn có những biểu hiện lạ”, ông Biên cho biết. Sau gần 7 tháng, nhờ sự theo dõi sát sao của cán bộ khuyến nông cùng với việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên tỷ lệ lươn sống của gia đình ông đạt cao (gần 80%), với trọng lượng lươn thương phẩm bình quân là 0,25 kg/con, thậm chí có con đạt 0,4 kg/con. Vụ lươn vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch hơn 1 tấn lươn thương phẩm. Với giá bán 120.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Là người trực tiếp nuôi thâm canh lươn đồng trong bể bạt, so sánh với những phương pháp nuôi khác, ông Biên nhận định: “Với phương thức nuôi lươn bùn trong bể lót bạt, lươn không bị thất thoát gia ngoài, chi phí làm bồn lươn lại không tốn kém. So với trồng lúa thì nuôi lươn lãi gấp vài lần mà việc chăm sóc lại không tốn nhiều thời gian, chi phí bỏ ra không lớn, vừa có thể tận dụng được lao động lúc nông nhàn lại vừa khai thác hiệu quả diện tích sân vườn. Đặc biệt là với những vụ lươn đạt lợi nhuận kép thì lãi càng lớn, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Mô hình đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đáng nói là lươn không chỉ sinh trưởng, phát triển mà còn sinh sản rất nhanh. Ngoài số lươn thương phẩm cung cấp ra thị trường, hiện gia đình còn có hàng vạn con lươn giống con trong bể nuôi, vừa để tiếp tục phát triển vụ nuôi sau, vừa đáp ứng nhu cầu mua lươn giống của bà con địa phương”. Hiện tại, gia đình ông Biên có hai bể nuôi lươn, mỗi bể có diện tích 50 m2 được lót bạt nilon, tường bể cũng chắn bằng bạt; dưới đáy bể phủ một lớp bùn dày khoảng 1 gang sau đó bơm nước vào bể, diện tích mặt nước thả bèo tây để tạo bóng mát và cho lươn chỗ trú ngụ. Lươn được thả với mật độ 55 con/m2 , tránh tình trạng thả quá nhiều lươn sẽ không có chỗ ở. Môi trường sống cho lươn cũng cần phải đảm bảo, đặc biệt là nguồn nước, phải thường xuyên thay nước cho lươn tránh ô nhiễm lươn sẽ chết. Với thời tiết mùa hè, mỗi ngày ông Biên thay nước cho lươn 1 lần. Bể được thiết kế có hệ thống thải và bơm nước dễ dàng. Thức ăn cho lươn không cầu kỳ, bao gồm hỗn hợp ốc bươu vàng hoặc tép nấu chín với cám gạo và cám viên công nghiệp. Mỗi ngày cho lươn ăn một lần vào sáng sớm hoặc xế chiều. Tuy nhiên, thức ăn cho lươn cũng phải được điều chỉnh theo thời tiết và sức khỏe của lươn, đảm bảo lươn ăn đủ no, không dư thừa tránh lãng phí và ô nhiễm bể nuôi. Mô hình nuôi thâm canh lươn đồng trong bể bạt là một tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người nông dân. Vì hiện nay, nguồn lươn ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt do người dân sử dụng các phương pháp đánh bắt như kích điện… Do đó, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này hiện rất lớn, giá cả ổn định, có thời điểm lên đến 150.000 đồng/kg.
NongNghiep.vn