Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã “thay da đổi thịt”.
Ngày 13/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018.
Quảng Ngãi đã sớm thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, bộ máy quản lý thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến tận xã, thôn để kịp thời chỉ đạo, điều phối việc thực hiện Chương trình.
Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh đã cố gắng cân đối bố trí ngân sách địa phương để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện Chương trình; đã huy động được sự đóng góp của các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường bước đầu được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn.
Hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.
Trong năm 2017, huyện Nghĩa Hành đã được Đoàn thẩm tra của tỉnh thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí huyện NTM năm 2017, đang trình Ban chỉ đạo Trung ương xem xét thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017.
Số lượng tiêu chí NTM bình quân/xã 12,08, tăng 1,2 so với cuối năm 2016, một số xã có số tiêu chí bình quân tăng thêm nhanh và đạt chuẩn xã NTM, đến 31/12/2017 có 41 xã đạt chuẩn NTM, tăng 17 xã so với năm 2016.
Ngoài việc khuyến khích các xã đạt chuẩn tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở ngành địa phương tập trung phát triển sản xuất, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng NTM; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn (tập trung giải quyết các vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất).
Trong khi ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn, UBND tỉnh đã và đang tập trung xây dựng giải pháp huy động các nguồn lực khác, các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình: Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác; tăng cường huy động vốn qua kênh tín dụng, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX; huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, để giảm mức tối đa phát tình trạng phát sinh nợ đọng trong nhưng năm tiếp theo.
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã “thay da đổi thịt”. Có 01 huyện Nghĩa Hành đã được Đoàn thẩm tra của tỉnh thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí huyện NTM năm 2017, có 41 xã đạt chuẩn NTM; có 14 xã đạt 15-18 tiêu chí, 56 xã đạt từ 10-14 tiêu chí…
Kế hoạch, mục tiêu năm 2018 của tỉnh Quảng Ngãi là có thêm 01 huyện (Tư Nghĩa) và 19 xã đạt chuẩn NTM. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa NTM, giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn. Huy động mọi nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Triển khai thực hiện “Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu”...
Dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình năm 2018 là trên 616 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 203 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh 243,2 tỷ đồng; ngân sách huyện, thành phố, xã 170 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Quang cho rằng: "Chúng ta thấy chúng ta có tiến bộ theo từng năm, nhưng so với các tỉnh khác chúng ta còn chậm so với cả nước. Kết quả xây dựng NTM của Quảng Ngãi còn thấp. Điều này chúng ta phải suy nghĩ về sự chỉ đạo, lãnh đạo, sự đóng góp của người dân, nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM…".
Còn ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch thường trực UBND cho rằng: “Xây dựng NTM, người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu, đời sống của người dân phải được tăng lên”