Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Trung Chiến – Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Để Nghị quyết TW7, khóa X của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sớm đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền huyện Mộc Châu đã xây dựng hàng loạt các chương trình, hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn trên địa bàn. Nghị quyết có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện.
“Ngay từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết TW7, chúng tôi đã sớm triển khai lập và điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ. Trên cơ sở đó, huyện đề ra nhiều giải pháp và tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng tới việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, vận động người dân áp dụng những tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao...” – ông Chiến cho hay.
Thực tế cho thấy, bức tranh nông nghiệp của huyện Mộc Châu trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, với những gam màu rực rỡ, sáng lạn hơn. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa đã và đang hình thành. Các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như: Chè, bò sữa, rau hoa, cây ăn quả... không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng không ngừng nâng cao.
Khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, huyện Mộc Châu quan tâm chỉ đạo đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được hình thành, hoạt động có hiệu quả. Mộc Châu đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng như: Rau an toàn Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu.
“Ngoài việc tạo điều kiện về đất đai, đào tạo, tập huấn cơ bản về quản lý HTX, chúng tôi tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống hương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp. Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Nhờ đó mà số trang trại, HTX trong huyện ngày càng tăng lên” – ông Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện Mộc Châu có 252 trang trại về trồng trọt, chăn nuôi; có 36 HTX nông nghiệp, tăng 33 HTX so với năm 2008.
Năm 2017, tỷ trọng sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng cơ cấu các ngành trên địa huyện đạt 36,9%. Giá trị sản xuất 1ha đất canh tác đạt 47,55 triệu đồng, tăng hơn 4 triệu đồng so với năm 2015... Hết năm 2017, các xã trong huyện Mộc Châu đạt mức bình quân 14,4 tiêu chí nông thôn mới, tăng 7,4 tiêu chí so với năm 2011. Trên địa bàn huyện đã có 2 xã: Mường Sang, Chiềng Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng theo ông Chiến, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7, kinh tế nông nghiệp của huyện Mộc Châu có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông – lâm – thủy sản bình quân giai đoạn 2009 – 2017 đạt 19%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong huyện phát triển nhanh, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
“Kết quả đạt được trong 10 năm qua rất có ý nghĩa, tạo điều kiện và tiền đề quan trọng để Mộc Châu tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới đối với các lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân, nông thôn” – ông Chiến khẳng định.
Theo Văn Chiến/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn