Sau khi học xong tiểu học anh cùng cha mẹ vào sinh sống ở miền nam và theo học khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngoại ngữ Tin học thành phố Hồ Chí Minh. Tuy ngành học không liên quan gì tới nông nghiệp nhưng Mạnh Hùng lại mong muốn được về quê để phát triển kinh tế trang trại. Năm 2012 Dự án khu đầm vuông của Trung ương Đoàn thanh niên cho phép các cá nhân mua lại ruộng đất của nông dân để xây dựng trang trại, anh đã cùng cha mình tìm đến từng hộ dân thương lượng để mua hoặc thuê đất. Trang trại với diện tích 20.000 m2 của gia đình anh ban đầu chỉ nuôi những con vật truyền thống như ngan, vịt. Do kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế nên ngay bước đầu anh đã gặp thất bại do dịch bệnh. Kiên định với con đường đã chọn anh thường xuyên tìm hiểu tin tức qua mạng internet và đi tới rất nhiều trang trại ở nhiều tỉnh thành để học hỏi với mong muốn tìm ra một đối tượng vật nuôi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp và dễ tiêu thụ. Tháng 7/2013 anh quyết định mua 50 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng về nuôi và nhân giống. Ngoài việc áp dụng quy trình kỹ thuật, anh còn có rất nhiều sáng kiến trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng như việc lựa chọn loại thức ăn, thay đổi khẩu phần thức ăn theo từng bữa, tận dụng tối đa nguồn thức ăn thô xanh tự có để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng của đàn lợn. Nên chỉ sau hơn một năm anh đã sở hữu một trang trại quy mô với vài trăm con lợn rừng thuần chủng có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt tốt. Vận dụng các kiến thức đã học ở trường đại học anh đã tự lập trang Web để quảng bá hình ảnh, tham gia các diễn đàn về chăn nuôi, cũng như tự tạo mã số cho từng con lợn để tạo nên thương hiệu lợn rừng cho trang trại của mình.
Ngày nay đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi, mua con giống, anh cũng rất tận tình tư vấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, và còn bao tiêu sản phẩm cho tất cả các khách hàng của mình. Anh Hùng cho biết năm 2014 anh đã xuất bán khoảng 2000 con lợn rừng giống và thương phẩm với giá từ 180.000 đến 250.000 đ/kg, thu lợi nhuận khoảng 900 triệu đồng. Nhân dân trong vùng đã gọi anh với cái tên trìu mến ''Triệu phú lợn rừng"./
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn