Ai đã từng đi qua quốc lộ 1A, đoạn từ Chùa Đá trắng đến đầu Cầu Gỗ trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhìn lên sẽ thấy toàn là núi đá chênh vênh dựng đứng. Nhưng chỉ cần đi sâu vào phía sau dãy núi hơn 1 km, vượt qua quả đồi hoang sơ đầy cây dại, đá chồng đá, bỗng bắt gặp cảnh tượng trù phú, tràn đầy sức sống bởi màu xanh của xoài, mãng cầu na, rau màu đủ loại. Đó là trang trại của ông Nguyễn Tường (60 tuổi) ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An.
Được biết, gia đình ông Tường có 5 khẩu nhưng ruộng đất lại ít. Sau khi nghỉ việc do cơ quan bị giải thể, ông Tưởng về nông thôn kiếm kế sinh nhai. Rong ruổi lên núi tìm kiếm, ông chọn vùng núi đầy đá này để khai thác đá kiếm sống. Trong quá trình khai thác đá, phát hiện trên đỉnh núi có nguồn nước suối, ông chợt nghĩ rằng có nước là có tất cả. Thế là ông bắt tay vào trồng những cây mãng cầu na đầu tiên vào các hố đã khai thác đá, trên mô đất xen giữa những động đá. Cứ thế năm này qua năm khác, vợ chồng ông cùng 3 con cùng nhau trèo đèo lội suối trồng đủ loại cây. Sau gần 10 năm bám núi ngủ rừng, đến nay gia đình ông Tường đã xây dựng một khu trang trại rộng 5 ha, trong đó 2 ha trồng 7.000 cây mãng cầu na, 1 ha trồng bạch đàn, 50 cây xoài giống cao sản, còn lại trồng cỏ và rau màu. Ngoài ra, ông còn nuôi 5 con bò, đàn heo rừng có 5 heo nái sinh sản và đàn gà lúc nào cũng có từ 100 đến 200 con.
Để đảm bảo cây trồng xanh tốt phải có nước nên ông Tường đã xây hệ thống bể chứa nước trên cao gồm 6 bể chứa dẫn nước từ đỉnh núi xuống. Ông lắp hệ thống ống nhựa dẫn đi tưới khắp vườn cây, ao rau muống xanh tốt quanh năm nhờ hệ thống tưới phun sương. Sắp tới, ông dự định sẽ khoan giếng để chủ động nguồn nước trong những đợt nắng hạn.
Vườn mãng cầu cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm của anh Tường
Ông Tường cũng cho biết, cây mãng cầu na thường bị bệnh rệp sáp, bệnh thán làm gia đình ông nhiều năm mất trắng. Ông đã tìm đến các cơ quan chuyên môn như Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông huyện để được tư vấn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật và sự tuân thủ đúng quy trình phòng trị bệnh mà 2 năm nay, vườn mãng cầu na của ông không bị bệnh, hoa ra nhiều, trái to gai nở rất bắt mắt.
Khi nói về thu nhập của gia đình, ông Tường vui vẻ cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, cây mãng cầu na cho quả 2 vụ mỗi năm. Tính trung bình mỗi cây cho ít nhất 2 kg quả/năm thì cả vườn mãng cầu na cho thu hoạch 14.000 kg quả/năm. Với giá bán 25.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập 350 triệu đồng. Với diện tích quả đồi trên 10 ha, để mở rộng quy mô, hàng năm ông tự ương hàng ngàn cây mãng cầu na giống chất lượng để trồng và biếu tặng hàng trăm cây giống cho bạn bè gần xa. Ngoài nguồn thu từ mãng cầu na, ông còn thu thêm từ việc chăn nuôi heo rừng, bò lai và đàn gà.
Ông Tường dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trang trại để tăng thêm thu nhập và là nơi lập nghiệp cho vợ chồng người con trai ổn định cuộc sống ngay trên mảnh đất cằn cỗi nhưng tràn đầy sức sống này.
Theo Lê Hữu Phúc/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn