Gia đình anh Dương Văn Hòa ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung thu hoạch lúa xong lấy rơm ủ lấy nấm. Anh Hòa cho biết, vào thời điểm này, diện tích đất thu hẹp do lũ nên có rất ít người trồng nấm. Nhờ đó, nấm rơm bán được giá khá cao, từ 28.000-30.000 đồng/kg. Vào những ngày rằm, giá nấm rơm tăng lên khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Vụ này, anh trồng 800 liếp rơm trên diện tích 2.000m2. Mỗi liếp anh gieo 4-5 chai meo. Mỗi buổi anh thu hoạch được khoảng 200-300 kg nấm rơm các loại bán cho thương lái.
Hơn 10 năm trong nghề chất nấm rơm nên anh Hòa có nhiều kinh nghiệm trồng và tính lịch thời vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nấm rơm là loại cây trồng ngắn ngày, từ khi chất liếp trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 25-30 ngày, tiếp tục thu hoạch kéo dài đến 15 ngày sau thì dứt điểm. Anh Hòa chia sẻ: “Trồng nấm tuy cực nhưng thích nhất là giai đoạn thu hoạch rộ, chỉ cần vạch lớp rơm áo lên là thấy nấm mọc lô nhô kín liếp. Cái khó của việc trồng nấm hiện nay là phải đi mua rơm ở xa chở về. Tuy nhiên, 1 công trồng nấm lãi gấp 3 lần trồng lúa, ngoài ra, thời gian trồng nấm rất ngắn, phù hợp với những người không có nhiều đất sản xuất. Với 800 liếp rơm trồng nấm rơm, dứt vụ thu hoạch, tôi còn lời hơn 25 triệu đồng”.
Ông Đặng Văn Miêu ngụ ấp Định Mỹ, xã Định Hòa, huyện Lai Vung cũng là một trong những người trồng nấm hiệu quả trong mùa nước nổi. Ông vừa thu hoạch dứt điểm 700 liếp nấm trồng trên mảnh đất 1.800m2, thu lời gần 20 triệu đồng. Khi hỏi về bí quyết trồng nấm hiệu quả, ông Miêu chia sẻ: “Trồng nấm, khâu đầu tiên là phải ủ rơm khoảng 11 ngày, rơm sau khi chất thành đống, tưới đều từ trên xuống, giữ ẩm liên tục cho đến khi thò tay vào thấy nóng rát là được. Sau khi ủ 4-5 ngày phải đảo rơm cho chín đều. Trong quá trình ủ thường xuyên tưới nước để rơm được rửa sạch phèn, sau đó chất thành liếp, mỗi liếp cách nhau chừng 2 tấc, rải meo thật đều trên bề mặt liếp, rồi tủ lớp rơm áo lên trên. Thời gian này phải tiếp tục tưới nước, bón phân, phun thuốc dưỡng thì cây nấm mọc lên sẽ không bị đen. Ngoài ra, trồng nấm có năng suất hay không còn phụ thuộc vào việc chọn nền đất sao cho bằng phẳng, khô ráo, tránh ngập úng, bởi cây nấm không chịu ẩm ướt. Thu hoạch xong một vụ nấm, tốt nhất là cho nền đất nghỉ, không làm ngay vụ tiếp để tránh bị thiệt hại do mầm bệnh còn tồn tại trong đất.”
Vào mùa mưa, nấm rơm hay bị nhiễm nấm mốc, nấm dại, mốc xanh, mốc cam, mốc thạch cao. Nông dân cần phải xử lý bằng thuốc tím, trường hợp gây hại nặng cần sử dụng thuốc Bennomyl, Zineb, Validacin. Ngoài ra, đối với các côn trùng phá nấm như ruồi, mạt gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, gián nên dùng thuốc Furadan để diệt. Khi nấm đã tạo hình thì phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Komix, Mimix, Atonic...
Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Việc trồng nấm rơm trong mùa nước nổi vừa đem lại thu nhập khá cho bà con, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Vừa qua, UBND xã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân và bà con nghèo trong xã học tập. Nếu nông dân tuân thủ đúng kỹ thuật, nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì trồng nấm rơm vào mùa nước nổi rất dễ trúng, cho thu nhập cao”.
Nguồn: Báo Đông Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn