Dân gian Việt Nam có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn, muốn nghèo nuôi vịt”, thế nhưng với ông Lê Ngọc Mới ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thì "muốn nghèo nuôi vịt" hoàn toàn không chính xác.
Chính từ con vịt, bằng tư duy nhạy bén "thức thời" trong cách sản xuất, ông đã thoát cảnh nghèo túng, vươn lên trở thành “đại gia nuôi vịt” và có cơ ngơi tiền tỷ ở vùng quê Tháp Mười.
Gắn bó với con vịt từ lúc 16 tuổi và có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi vịt chạy đồng, ông Mới cho biết, chăn vịt theo kiểu chạy đồng là cách làm truyền thống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, càng về sau, nhất là từ sau năm 2014, nghề nuôi vịt chạy đồng không còn hiệu quả. Nguyên nhân là do các cánh đồng làm lúa 3 vụ/năm nên thời gian lưu vịt rất ngắn.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa nên nguồn thức ăn tự cạn kiệt, chất thải nông nghiệp nhiều,... ảnh hưởng rất lớn sản lượng và chất lượng trứng. Điều quan trọng là tỷ lệ vịt bệnh tật và hao hụt ngày càng cao.
Nhận thấy kiểu làm ăn "phụ thuộc vào tự nhiên" quá nhiều rủi ro, chuyện "phá sản", "giải nghệ" là câu chuyện thường gặp đối với người nuôi vịt chạy đồng như ông.
Ông Mới kể, chứng kiến bao phen thăng trầm của nghề, đặc biệt là điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015, trứng vịt đột ngột rớt giá, "giá rẻ như cho", đàn vịt 20.000 con khiến ông bị thiệt hại hơn trăm triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình điêu đứng, tưởng chừng như ông đã bỏ nghề, từ bỏ con vịt.
Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng trứng vịt tại các siêu thị lớn vẫn còn rất tiềm năng, giá cả ổn định, giữa năm 2015 ông quyết tâm trở lại nghề bằng một hình thức mới - mô hình nuôi vịt rọ, sau khi đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
Ông Mới bày tỏ, điểm khác biệt giữa hình thức chăn nuôi này với việc nuôi vịt chạy đồng là không chăn thả rong ruổi trên các cánh đồng, vịt được lại một chỗ và cho vịt ăn thức ăn.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp Võ Bé Hiền cho hay, nuôi vịt rọ là kiểu chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Tại thời điểm 2015, đó là bước đột phá trong nghề nuôi vịt, giúp giải phóng công lao động, quản lý dịch bệnh dễ dàng, giảm thiểu rủi ro trong ngành hàng vịt.
Sau những thành công bước đầu với 7.000 con vịt được nuôi rọ, năm 2016, trên diện tích khoảng 1.5000m2, ông quyết định đầu tư khoảng trên 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, hệ thống máng nước tự động cho vịt uống, 2 khu vực trải đệm sinh học nuôi 10.000 con vịt theo quy trình VietGAP.
Ngoài ra, ông còn đào 3 bể lắng lọc nước thải. Ngoài việc nuôi khép kín này giúp tỷ lệ đẻ đạt rất cao hơn từ 85-90%, theo ông, còn bảo vệ môi trường, giảm mùi hôi ảnh hưởng đến các hộ lân cận và sản phẩm đạt chất lượng sạch.
Chuồng trại tốt - nguồn trứng sạch do không sử dụng kháng sinh, đồng đều - sản lượng đảm bảo. Ngày 29/7/2017, trang trại nuôi vịt sinh học Út Mới được Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc trứng vịt, trở thành trang trại trứng vịt đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ nhập cuộc thành công, ông Mới còn hướng dẫn cách nuôi vịt cho nhiều người. Ngoài ra, ông đã chủ động thành lập tổ hợp nuôi vịt Tháp Mười để tạo sự liên kết giữa những người nuôi vịt tạo đầu ra sản phẩm ổn định khi hợp tác với công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt ở Tp. Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp 11 thành viên nông dân nuôi vịt ở các xã Mỹ Hoà, Mỹ Đông, Mỹ An, Tân Kiều, Phú Điền không còn cảnh "đau đầu" tìm lời giải cho bài toán cung - cầu.
Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt nói, "chúng tôi rất cần sản phẩm trứng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung cấp cho các siêu thị. Hiện đều đặn 2 ngày 1 chuyến công ty nhận của bà con trong tổ hợp tác từ 70.000 - 80.000 quả trứng với giá cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/quả."
Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho rằng, vịt là một trong năm ngành hàng chủ lực của địa phương. Mặt khác, Đồng Tháp hiện có tổng đàn vịt đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 6,5 triệu con. Vì vậy, rất cần những người dám thay đổi tư duy sản xuất, dám đi trước, đón đầu để đề án tái cơ cấu nông nghiệp trở nên bền vững.
Ông Dũng cho biết, từ một mô hình ban đầu đến nay, toàn tỉnh có 6 tổ hợp tác và gần 50 thành viên, tổng đàn vịt nuôi nhốt trên 200.000 con. Đây là tín hiệu vui cho thấy, mô hình ông Lê Văn Mới đã tạo hiệu ứng tiên phong, có hiệu quả và có sức lan toả cao.
Nhờ "thức thời", ông Lê Văn Mới có thu nhập trên 2,3 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những nông dân tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Hơn hết là, ông đã minh chứng thành công cho suy nghĩ mới "muốn giàu nuôi vịt", một khi người nông dân biết thay đổi tư duy sản xuất./.
Chương Đài/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn