Trang trại Phương Uyên thực hiện theo mô hình VAC, với các sản phẩm chủ lực như: heo công nghiệp, cá rô đồng, bưởi hồng da xanh và chanh không hạt. Trái cây Phương Uyên với những phẩm chất vượt trội đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Nhờ đó, trang trại Phương Uyên có thể đưa ra thị trường 10 chủng loại trái cây có múi với thương hiệu “Phương Uyên - Bình Dương”.
Trái cây Phương Uyên
Để xây dựng được thương hiệu cho trái cây Phương Uyên, ông Lê Văn Xê – chủ trang trại Phương Uyên đã tốn không ít thời gian và công sức. Hơn 3 năm chờ đợi để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ, chứng nhận thương hiệu của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của người nông dân năng động này. Thành lập nông trang, với kiến thức đã tích luỹ được và những chuyến đi thực tế tại một số nước châu Á đã giúp ông Xê tự tin với hướng đi của mình.
Ông cho biết: khi đời sống được nâng cao, các sản phẩm nông sản phải đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá thành, bao bì và bảo quản. Vì thế, ông mạnh dạn đầu tư trồng bưởi hồng da xanh và chanh giấy không hạt. Bưởi hồng da xanh trồng trên đất miền Đông có hương vị thơm ngon, ngọt thanh, ruột đỏ hồng, lột tróc múi, năng suất cao; cây 4 năm tuổi cho 100 trái, tương đương 2 triệu đồng/cây/năm. Chanh giấy không hạt trái to (8 - 10 trái/kg), cây 4 năm tuổi cho năng suất 150 - 200 kg/cây. Năm 2007, trang trại thu trên 300 tấn bưởi và 250 tấn chanh. Có được sản phẩm chất lượng, ổn định, ông Xê mạnh dạn tiếp thị tại các đầu mối lớn. Nhờ đó, hoa trái của trang trại nhanh chóng trở thành nguồn cung ứng của hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry trên toàn quốc (3 năm liền được Metro công nhận là hàng chất lượng).
Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, bưởi và chanh nhãn hiệu “Phương Uyên - Bình Dương” còn có mặt tại các nước Singapore, Trung Quốc, Newzeland... ông Xê tâm sự: “Cái khó nhất bây giờ là không đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Ngoài diện tích trồng ở Tân Uyên, trang trại còn hợp tác với các địa phương khác trồng chanh nhưng mới chỉ đáp ứng được 10 – 15% nhu cầu”.
Ông cũng đang xúc tiến mở cơ sở thu mua sản phẩm cây có múi như bưởi, cam, quýt cho bà con nông dân huyện Tân Uyên. Song song với việc thu mua, ông cũng muốn cơ quan chức năng nhanh chóng giúp ông hoàn thành thủ tục thành lập Hiệp hội Cây có múi và ông sẽ hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn ViệtGAP. Hiện Nông trang Phương Uyên là nông trang duy nhất của tỉnh được cấp giấy chứng nhận ViệtGAP, một nhãn hiệu xanh do cơ quan Phát triển Quốc tế Canada tài trợ, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận.
Trang trại của ông Xê là trang trại trồng bưởi đầu tiên tại Bình Dương đạt tiêu chuẩn VietGAP
Hiện nay tổng diện tích đất của trang trại do ông làm chủ có khoảng 12 ha trồng bưởi da xanh. Ông đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất tại các địa phương khác. Riêng với 12ha trồng bưởi tại địa phương, năng suất hàng năm của trang trại đạt khoảng 500 tấn quả/năm.
Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, doanh thu hàng năm của gia đình ông đạt gần 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 10 tỷ đồng. Trang trại của ông là trang trại trồng bưởi đầu tiên tại Bình Dương đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sau khi tham quan học hỏi nhiều nơi, kể cả Thái Lan và Malaysia, ông Sáu Xê nhận thấy, để có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng ông phải xây dựng hệ thống tưới phun tự động. Ông Xê cho biết: Hiện nay, quy trình sản xuất trong trang trại đã khép kín, hệ thống phun tưới tự động đã được ứng dụng từ 6 - 7 năm nay.
Sau khi xây dựng thành công hệ thống, tôi đã hướng dẫn cho các chủ vườn xung quanh làm theo. Hiện nay, 100% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã đã ứng dụng hệ thống phun tưới tự động này. Với việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần một vài thao tác nhẹ nhàng là có thể tưới cho cả một diện tích hàng chục ha, bất kể là ngày hay đêm. Người ta có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn.
Ngoài việc tiết kiệm được tối đa chi phí nhân công vận hành tưới, hệ thống phun tưới tự động còn giúp cho năng suất vườn cây ăn trái trong trang trại của ông tăng cao gấp nhiều lần do nước tưới thấm sâu hơn. Ông Xê cho biết thêm, ứng dụng hệ thống tưới tự động này sẽ tưới rải đều 100% diện tích vườn cây và rễ cây sẽ tiếp xúc một cách ổn định với nguồn nước tưới.
Hiệu quả của việc tưới phun tự động có thể cao hơn 300 - 400% so với tưới bằng vòi phun thông thường. Những người trồng cây có múi muốn đạt được hiệu quả sản xuất cao thì nhất định phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc ứng dụng hệ thống phun tưới tự động.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường ông đã chú ý đến yếu tố “sạch” trong sản xuất. Trong đó ông rất chú ý đến khâu sơ chế và bản quản sau thu hoạch. Theo ông Xê, hiện nay nhiều người sản xuất trái cây chưa chú ý đến các khâu này do chi phí đầu tư cao.
Tuy nhiên khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch có ý nghĩa rất lớn trong quy trình sản xuất do trái cây có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi của trái cây được duy trì lâu hơn nên có thể di chuyển đi đến các địa phương xa hơn mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng, vì vậy mà giá trị thương phẩm của trái cây được nâng lên cao hơn.
Ông Lê Văn Xê – chủ trang trại Phương Uyên
Nói về lão nông Lê Văn Xê, ông không chỉ kinh doanh giỏi, ông Xê còn có nhiều công trình nghiên cứu trên cây chanh đoạt giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Điển hình là giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần II. Mới đây nhất, với đề tài chiết xuất các chất có trong tinh dầu chanh giấy không hạt, ông đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi Giải pháp sáng tạo ở Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ III.
Sắp tới, Trang trại Phương Uyên sẽ thành lập doanh nghiệp để có đủ tư cách pháp nhân liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Nơi đây sẽ tập hợp cổ đông là những hộ trồng chanh không hạt, thành lập nhà máy tái chế các sản phẩm từ chanh không hạt như sản xuất hương liệu và nước cốt chanh để cung ứng cho thị trường. Với những bước đi năng động và táo bạo này, hy vọng một ngày không xa, “Phương Uyên - Bình Dương” sẽ là thương hiệu nông sản “tầm cỡ” trong khu vực và trên thế giới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn