Hiệu quả cao
Cách đây 7 năm, ông Dương Văn Diễn ở vùng cù lao Chim, xã Phú Thành B đã mạnh dạn chuyển từ sản xuất 2 vụ lúa/năm sang luân canh một vụ lúa và một vụ nuôi TCX, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mỗi năm, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, ông Diễn cải tạo mặt ruộng, thiết kế vuông nuôi tôm. Khi cải tạo 12 ha ruộng thành vuông nuôi tôm, ông Diễn chọn một phần xây dựng ao ương con giống, diện tích còn lại làm ao lắng. Tiếp đó, ông xử lý nước thật kỹ bằng cách ngâm nước trong vuông vài ngày rồi tháo nước ra phơi đáy, làm liên tục cho đến khi nồng độ pH trong vuông nuôi thích hợp và tìm diệt cá lóc, cá trê, ếch, rắn… Xong, ông thả TCX giống vào ao ương nuôi. Gần 1 tháng sau ương, ông cho thả hết ra toàn bộ diện tích nuôi.
Mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh mang lại hiệu quả cao - Ảnh: Trần Út
Trong quá trình nuôi, ông Diễn thường sử dụng thức ăn viên công nghiệp chuyên dùng, đồng thời bổ sung chất khoáng, Vitamine C nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, theo dõi chu kỳ lột xác của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm nền đáy… Việc phòng ngừa dịch bệnh cho tôm cũng được thực hiện kịp thời theo đúng hướng dẫn. Ông còn thường xuyên bảo vệ vuông tôm, tìm diệt cá, ếch, rắn… để hạn chế cạnh tranh thức ăn và sát hại tôm khi tôm lột xác. Bên cạnh đó, ông tiến hành tỉa thưa tôm trứng để bán, nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh, tăng kích cỡ tôm loại 1 và tiết kiệm được lượng thức ăn. Nhờ chăm sóc đàn tôm nuôi thật chu đáo nên nuôi tôm mùa lũ hằng năm ông thu lãi khoảng nửa tỷ đồng.
Ông Diễn chia sẻ: “Trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp cải tạo tốt môi trường ruộng. Lúa hấp thu chất mùn bã hữu cơ - thức ăn thừa và chất thải của tôm từ vụ nuôi để lại… Từ đó, hạn chế sử dụng phân bón cho lúa. Còn sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ phân hủy sẽ giúp cho hệ thống phiêu sinh vật phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, cân bằng sinh thái đồng ruộng, góp phần cách ly, hạn chế phát triển virus, vi khuẩn và làm giảm lưu chuyển mầm bệnh gây chết tôm, cắt giảm mầm bệnh sâu rầy hại lúa…”.
Cần nhân rộng
Tính đến tháng 11/2013, huyện Tam Nông đã thả nuôi trên 608 ha. Trong đó, hơn 518 ha thả nuôi sớm nông dân đã thu tỉa hơn 338 tấn TCX ôm trứng và tôm xô bán giá cao. Tôm trứng khoảng 120.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước) và tôm xô (loại 40 con/kg) 230.000 đồng/kg.
Huyện Tam Nông đã hình thành vùng nguyên liệu theo hướng tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm TCX chất lượng sạch ổn định, bền vững; đăng ký logo, thương hiệu độc quyền TCX Tam Nông. Huyện đang tăng cường giữ vững và mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tôm chất lượng sạch ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu chủ yếu cho thị trường xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn