Chị Phan Thị Kim Chung. Ảnh: Đức Hùng/VnE
“Bỏ ra 500 triệu đồng trồng vụ dưa lưới đầu tiên song bị bão làm mất trắng. Cuối năm 2017, chị trở về khôi phục lại cơ sở, tháng 6 vừa qua đã bán được lứa dưa lưới đầu tiên ra thị trường, thu về khoảng nửa tỷ đồng, gần đủ để bù vào vụ mất mát trước”.
Đó là câu chuyện khởi nghiệp thành công tại miền quê khô cằn, nắng gió của chị Phan Thị Kim Chung (36 tuổi, trú xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khi chị quyết tâm xin nghỉ làm giảng viên ở trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương để trở về quê hiện thực hóa đam mê của mình . Sự thành công này ít nhiều đang nhận được sự tán dương của cộng đồng dư luận.
Thật ra câu chuyện từ bỏ “mác” công – viên chức nhà nước để về những miền quê khởi nghiệp, làm giàu bằng cách nuôi heo, trồng dưa, thả cá… như chị Chung không phải là trường hợp cá biệt, nhưng nó vẫn nhận được sự tán dương của nhiều người, vì cái sự quyết tâm cho niềm đam mê và ý chí làm giàu.
Đó là chuyện của anh Vũ Sơn Tùng (thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), người quyết tâm khởi nghiệp từ việc nuôi heo sạch. Sau hơn 2 năm gây dựng, anh trở thành ông chủ trang trại nuôi heo thuộc loại lớn nhất tỉnh miền núi Đắk Nông này.
Vũ Sơn Tùng vốn là kỹ sư ngành cầu đường, lại là viên chức nhà nước nhưng chàng trai Hà thành lại từ bỏ để đến với đam mê nông nghiệp. Rời chốn phồn hoa đô thị, người trai trẻ đã vào tận Đắk Nông để lập nghiệp, chỉ mang theo bên mình ý chí, quyết tâm làm giàu.
Rồi, chuyện của anh Phạm Văn Dũng (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cũng khiến nhiều người nể phục. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dũng thi đỗ vào công chức công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Điện Biên. Đùng một cái vào cuối năm 2013, Dũng xin nghỉ việc, thôi công chức về quê lập trang trại tổng hợp trên diện tích 3ha: Khu nuôi thỏ sinh sản; Vườn trồng đinh lăng; Trồng gấc; Nuôi gà thả vườn, khu nuôi cá... trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.
Nghĩ rằng, để có được vị trí công chức đó không hề dễ, bố mẹ, vợ con, bạn bè ai cũng can ngăn anh. Ai cũng ái ngại khi anh “lao đầu” vào làm nông nghiệp, đã nhiều thanh niên muốn chán bỏ vì cái nghề này. Với lại trông cái tướng thấp bé, nhẹ cân, “trói gà không chặt” của Dũng, chẳng ai nghĩ rằng anh có thể làm nổi..v..v.
Trở lại với trường hợp của chị Chung, lý giải cho việc nghỉ công tác giảng dạy để về quê trồng dưa: “Thời điểm đó nhiều người tiếc cho tôi, bởi làm công chức khỏe và nhàn hơn. Nhưng bản thân thấy cứ sáng lên trường rồi chiều về, cảm giác rất lãng phí thời gian. Hơn nữa có về quê thì tôi mới thực nhiện được tâm niệm của mình” - chị Chung nói.
Vâng, phải nói rằng ý chí làm giàu và quyết tâm hiện thực hóa niềm đam mê của bản thân chính là nguồn cơn giúp cho chị Chung nói riêng và những người nói trên, và còn rất nhiều người khác đã thành công. Tôi thấy ở họ, ý chí, quyết tâm đó đẩy lùi đi cái suy nghĩ thấm sâu vào đầu óc của khá nhiều người, nhất là tầng lớp bố/mẹ, ông/bà chúng ta: Đi học là để thoát ly, để thoát ra cảnh “chân lấm tay bùn”, “hai sương một nắng”.
Thực tế, nhiều người trong số dám từ bỏ “mác” cán bộ, công chức thường bị phàn nàn vì học ra lại về làm nông dân. Có điều, chúng ta phải cảm nể, bởi họ những người giỏi thật sự, họ đã làm giàu ngay cả trên những mảnh đất khô cằn. Điều mà rất, rất nhiều người không làm được, phải bỏ quê lên phố để tìm đủ nghề mưu sinh.
Trong khi, ngay tại các vùng quê, phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang đi vào cuộc sống. Nó không chỉ đem đến cho những làng quê một diện mạo mới, một sức sống mới mà còn đang dần tạo nên thế hệ nông dân mới. Đó là những con người có tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới để mang lại thu nhập mới.
Họ - những con người không vì cái gọi là “hữu danh” mà bám trụ để rồi chôn vùi đi ý chí, đam mê của bản thân mình. Chính họ sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của bà con nông dân, mở ra hướng đi mới để nhân dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương của mình.
Và công cuộc xây dựng nông thôn mới rất cần những nông dân mới như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn