Giống khoai này có đặc điểm sinh vật học và đặc điểm sinh trưởng giống các dòng khoai nước của Việt Nam. Tuy nhiên khoai có thân lá cao to, mập mạp hơn khoai truyền thống; đặc biệt là khả năng ra ngó (dãi khoai) cao hơn hẳn các dòng khoai nước của Việt Nam.
Điều đặc biệt làm cho giống khoai này có nhiều triển vọng về kinh tế đó là cho năng suất và chất lượng ngó cao hơn nhiều giống khoai truyền thống (ngó ngon, giòn, ngọt và không ngứa).
Tại địa bàn huyện Nam Sách, chúng tôi thăm mô hình trồng khoai lấy ngó của gia đình anh Dương Minh Ngọc, thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến. Với diện tích 1 mẫu khoai anh đã trồng từ giữa tháng 7/2017, cây phát triển tốt và đang trong thời kì thu hoạch (lấy ngó).
Nông dân Dương Minh Ngọc thu hoạch ngó khoai |
Anh mua giống từ một nông dân của huyện Thanh Miện – người đã trồng khoai được 2 năm nhờ lấy giống từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương.
Cũng nhờ nông dân này anh học hỏi được cách trồng và chăm sóc giống khoai mới để có được năng suất như mong muốn. Đó là, khoai được trồng theo luống có chiều cao 30cm, rộng 1m. Các cây con hay mắt củ cái được trồng theo hàng với mật độ cây cách cây 40 - 45cm, hàng cách hàng 50cm. 1 sào Bắc bộ trồng hết khoảng 1.000 cây con hoặc mắt củ.
Theo anh và nhiều nông dân khác thì khoai lấy ngó nên trồng vào khoảng giữa tháng 7 DL để cây con và mắt củ có điều kiện bật mầm, phát triển thân lá. Đến mùa xuân cây sẽ có sinh khối lớn nhất và cho khai thác ngó rất cao.
Mặt khác, sau trồng khoảng 2 tháng khoai đã bắt đầu cho khai thác ngó (mặc dù ít do điều kiện giá rét và cây chưa đủ lớn) nhưng lúc đó thị trường rất khan hiếm vì khoai truyền thống không thể ra mầm như giống khoai này nên giá bán khá cao.
Cây khoai lấy ngó nhập nội từ Thái Lan có đặc điểm không khác gì khoai nước của Việt Nam. Tuy nhiên nó “phàm ăn” hơn khoai ta. Khoai ưa phát triển trên các nền ruộng hơi trũng, đất thịt nhẹ, giàu mùn. Trong ruộng trồng khoai tốt nhất lúc nào mực nước trong các dõng cũng đạt 2/3 chiều cao luống là tốt nhất. Không nên để nước ngập mặt luống sẽ khiến các ngó khoai bị biến vàng, ăn không giòn.
Được biết ngoài lượng phân chuồng khá cao dùng để bón lót kết hợp với NPK thì định kì 12 - 15 ngày anh Ngọc vẫn bón thúc cho khoai khoảng 10 - 15kg NPK 9-6-3/sào kết hợp với phân gà ủ mục rắc dõng để cây ăn.
Anh Ngọc cho biết, sau khi trồng khoai anh dùng ni lông phủ 2 bên hàng, còn giữa luống phủ rơm rạ để hạn chế cỏ dại và giúp khoai ra mầm tốt nhất. Anh phân loại củ cái và cây con riêng từng loại để trồng cho chăm sóc thuận tiện. Khoai được trồng bằng củ cái có mắt sẽ phát triển nhanh và ra mầm nhiều hơn là trồng bằng cây con.
Khi chăm sóc giống khoai mới này anh nhận thấy, cây có khả năng sinh trưởng, phát triển rất khỏe, cây ít khi bị sâu bệnh hại(chỉ bị sâu khoang ăn lá và bệnh sương mai). Anh bắt sâu bằng tay vì sâu có cơ thể rất lớn dễ phát hiện. Còn bệnh sương mai hại lá thì cứ vặt ngó đến đâu lại bóc tàu lá đến đó nên các tàu lá dẫu có bị bệnh cũng được loại bỏ khỏi ruộng rồi. Vì thế mà công tác BVTV cho cây khoai ăn ngó là rất nhàn nhã, ít tốn kém chứ không như các cây rau màu khác.
Tâm sự với chúng tôi, vợ anh cho biết thêm, lúc đầu khi anh mang khoai về thì cả làng, cả xã đều cho rằng anh “dở hơi”, bao nhiều cây trồng có hiệu quả kinh tế cao không trồng lại đi trồng giống cây khoai ngứa, ai mua mà bán mà bán ra thì ai ăn?
Đây là một giống cây trồng mới nhưng rất dễ thâm canh và cho hiệu quả kinh tế khá cao, địa hình ruộng trũng cũng có thể phát triển. Chắc chắn trong một thời gian không xa, giống khoai ăn ngó sẽ có điều kiện thâm nhập thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước khi được nhân rộng... |
Khi khoai cho ngó to bằng ngón tay cái, dài 35 - 40cm chị vặt mang ra chợ bán thì người xem thì nhiều mà người mua thì chẳng có. Họ tò mò xem mầm khoai khen to, mập thế! Chắc lại phun kích thích hay bón phân đậm đặc gì mới có mầm to, trắng non như vậy(?). Một số người mua về nấu ốc, nấu chai thay cho dãi khoai giống cũ.
Ngẫm lại chị thấy nó chật vật làm sao! Giờ thì yên tâm SX rồi vì người nọ mách nước người kia tìm đến mua ngó khoai về ăn, về nấu cỗ rồi buôn lên thành phố. Hàng, giờ không có đủ mà bán vì chất lượng của ngó khoai này cao hơn rất nhiều ngó khoai giống cũ của ta. Ngó khoai giống Thái Lan khi xào với thịt trâu, thịt bò thì giòn, đem nấu kĩ với ốc, cá thì mềm, ngọt. Ai ăn một lần thì “ nghiện” luôn.
Anh Ngọc bộc bạch, dù mô hình mới phát triển được khoảng nửa năm nay nhưng vợ chồng anh đã bán giống cho các gia đình nông dân khác ở trong và ngoài huyện được khoảng 10 triệu đồng với giá 2.000 đồng/cây con giống. Giờ thì vừa khai thác ngó, vừa vặt tàu lá và vừa khai thác cây con để bán giống.
Ngó khoai được khai thác theo ngày (khoảng 2 ngày lại vặt 1 lượt). Lúc rộ mỗi sào trung bình thu được trên 10 kg/lượt. Giá bán hiện tại là 30 nghìn/kg ngó khoai. Như vậy một vụ khoai/năm anh dự kiến thu về khoảng gần 20 triệu đ/sào khi vừa bán giống vừa bán ngó. Vì chưa có điều kiện sơ chế được dọc khoai (tàu lá) nên anh Ngọc không bán được sản phẩm này.
Anh dự kiến thời gian tới khi cây tốt thêm cho dọc to sẽ sấy khô để bán cho các tiểu thương, vì dọc cây ăn tươi hoặc ăn khô cũng rất ngon. So với các cây trồng khác anh thấy nó không rủi ro cao lại chăm bón và phòng trừ sâu bệnh nhàn nhã, không tốn công, tốn tiền nên rất dễ trồng và nhân rộng.
Trong các khâu kĩ thuật ngoài bón phân, giữ nước thích hợp cho khoai anh nhấn mạnh thêm khâu kĩ thuật bóc dọc để mầm(ngó) khoai ra nhanh, mập mạp và không bị chèn ép (cần bóc dọc ngoài khi thấy mầm vừa nhú để mầm bên trong ra nhanh và đẫy). Đồng nghĩa rằng vừa khai thác ngó lại vừa khai thác dọc khoai.
Từ đầu vụ đến nay gia đình anh chưa phải tốn lần thuốc trừ sâu bệnh nào phun cho khoai. Sản phẩm ngó khoai không chỉ cho người ăn thưởng thức được độ ngon, ngọt, giòn khác biệt với các loại thân, ngó các cây trồng khác mà còn được người sử dụng yên tâm một cách tuyệt đối về độ an toàn của loại nông sản này. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn