Ông Khanh trong cơ sở ấp trứng với thiết bị hiện đại của mình
Mê chăn nuôi
Học xong phổ thông, vì điều kiện gia đình khó khăn, ông Cao Văn Khanh không thể tiếp tục việc học. Ba mẹ ông Khanh động viên: “Con học lấy cái nghề để sau này làm ăn nuôi vợ nuôi con”. Rồi hướng cho con: “Con học nghề sửa xe đạp hay thợ hồ cũng được, những nghề này học nhanh và dễ kiếm tiền”. Nhưng ông Khanh nằng nặc xin ba mẹ cho đi học nghề ấp trứng.
Thời bấy giờ, nghề thợ vàng và ấp trứng là 2 nghề “thời thượng”, những hộ làm nghề không bao giờ truyền lại cho những người ngoài gia tộc để giữ độc quyền. Thế nhưng chủ một lò ấp trứng trong làng, ông Phan Vĩnh Hưng, cảm được sự đam mê chăn nuôi của ông Khanh nên đồng ý dạy nghề. “Để học nghề, tôi phải đóng cho thầy 2 chỉ vàng, tiền này dùng để mua trứng về ấp để học theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Khanh nói.
Sau 2 năm theo học, ông Khanh nắm được mọi bí quyết. Trước tiên là cách lựa trứng. Trứng vịt trước khi đưa vào lò ấp phải được chọn kỹ. Có 3 loại trứng phải phải loại ra, đó là trứng đôi (2 lòng đỏ), trứng vỏ mỏng và vỏ có gân sọc dưa; bởi các loại trứng này ít có khả năng nở con.
Trước khi đưa lên giàn nở, trứng phải được phơi ngoài nắng để lấy nhiệt, mùa mưa dùng lò sưởi. Nếu công đoạn lấy nhiệt không đúng độ trứng sẽ bị mất phôi, không nở con được.
“Công đoạn soi trứng để đưa lên giàn ấp cũng được xem là khó. Người thợ cầm quả trứng soi trước ngọn đèn dầu, dùng mắt nhìn qua vỏ trứng để nhận biết phôi thai, nước ối, bầu hơi… của quả trứng có đủ tiêu chuẩn nở hay không mới đưa lên giàn ấp. Hồi ấy, nghề ấp trứng hoàn toàn bằng thủ công nên quyết định sự thành bại phải dựa vào kinh nghiệm của người thợ”, ông Khanh cho biết thêm.
Từ thợ ấp thành tỷ phú
Cuối năm 1987 ông Khanh ra làm nghề. Do không có vốn mở cơ sở riêng nên ông đi làm thuê cho các lò ấp trứng trong vùng. Sau 10 năm tích dành dụm tích góp, năm 1997 ông Khanh bắt đầu mở cơ sở ấp gà quy mô nhỏ. Mẻ đầu tiên ông cho ra lò 300 con gà ta giống.
“Lúc tôi bắt đầu làm gà giống, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loại giống gà ngoại nhập đang được người chăn nuôi ưa chuộng như giống gà Tam Hoàng (Trung Quốc), gà trắng siêu thịt (Thái Lan)…
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tôi thấy nuôi gà ta là hiệu quả nhất, lại có đầu ra ổn định do gà ta dễ chăm sóc, chất lượng thịt thơm ngon, khả năng kháng bệnh tốt.
Và đúng như phán đoán của tôi, đến thời điểm này, hầu như các giống gà ngoại nhập đã dần bị loại trừ, chỉ còn gà ta được người chăn nuôi lựa chọn”, ông Khanh chia sẻ.
Mẻ gà giống đầu tiên ấp ra ông Khanh để nuôi tất. Trong quá trình nuôi, ông Khanh mời bạn bè đến nhà uống rượu để tham quan trại gà thương phẩm của ông. Ai muốn học hỏi, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
“Đó cũng là 1 kiểu kích cầu. Người tham quan thấy mô hình hiệu quả sẽ mua gà giống về nuôi”, ông Khanh nói. Vừa nuôi, ông Khanh vừa chọn lọc để có đàn gà giống bố mẹ 200 con. Chính 200 con gà giống bố mẹ này đã đưa ông Khanh bước lên hàng tỷ phú trong ngành chăn nuôi ở Bình Định.
Phong trào nuôi gà ta trên địa bàn mạnh dần, đến năm 2007 ông Khanh chuyển đổi SX sang hướng công nghiệp. Hiện nay, hệ thống trang trại chăn nuôi và cơ sở lò ấp Cao Khanh của ông đã mở rộng đến 8 ha, gồm khu trang trại chăn nuôi gà giống bố mẹ 6 ha tại thôn Hữu Hạnh (Cát Tân, Phù Cát) và khu ấp nở gà giống rộng 2 ha tại thôn Hòa Dõng (Cát Tân).
Năm 2012, ông Khanh mở rộng thêm 1 cơ sở chăn nuôi gà hậu bị và SX gà giống tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) với diện tích 2 ha. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ với hệ thống chuồng trại khép kín, hệ thống máy ấp hiện đại được nhập từ Canada để SX con giống.
“Đến nay, trang trại chăn nuôi của tôi đang có đàn gà giống bố mẹ 60.000 con, gồm 2 giống gà ta được chọn lọc qua nhiều thế hệ với dòng tía đỏ và dòng tía đen được người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Hằng tháng, cơ sở SX giống gà của tôi cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 1 triệu con giống gà ta. Doanh thu mỗi năm từ việc bán gà giống trên 100 tỷ đồng. Hiện trang trại của tôi giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng”, ông Khanh cho hay.
Với thành tích phát triển chăn nuôi quy mô lớn có hiệu quả, năm 2013, ông Cao Văn Khanh được Bộ NN-PTNT trao danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn”; tháng 3/2014 được Bộ Công Thương trao chứng nhận “Thương hiệu danh tiếng Việt Nam” cho gà giống Cao Khanh.
“Đàn gà ta giống bố mẹ đang nuôi tại trang trại của tôi được Bộ NN-PTNT chọn để lưu giữ, bảo vệ nguồn gen quốc gia. Tôi đang xây dựng dự án mở rộng trang trại nuôi gà giống bố mẹ với diện tích 7 ha tại thôn Hòa Hội (Cát Hanh, Phù Cát). Đồng thời, thời gian tới tôi sẽ tiến hành xúc tiến thương mại để xuất khẩu đàn gà giống sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia…”, ông Cao Văn Khanh.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn