Nguyễn Đức Anh sinh năm 1977 trong một gia đình thuần nông như phần lớn các hộ gia đình trong thôn, từ nhỏ cuộc sống gia đình khó khăn quanh quẩn bên mấy sào ruộng đã ám ảnh tâm trí anh, ngay cả những năm sau này khi đã có một gia đình riêng. Mất mùa thì thiếu ăn, được mùa cũng chỉ đủ no cái bụng. Những đứa con lần lượt ra đời, nhìn chúng anh lại liên tưởng đến hình ảnh xưa của mình. Khát vọng vươn lên cứ thôi thúc anh phải làm thêm một nghề gì đó, ngoài những việc trồng lúa, trồng ngô.
Chủ động tiêm Vắcxin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả được gia đình anh Nguyễn Đức Anh, xã Đạo Đức (Bình Xuyên) thường xuyên thực hiện để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Sau nhiều đêm gần như thức trắng vắt tay lên trán suy nghĩ, anh bàn với vợ quyết định vay mượn của anh em, họ hàng, làng xóm để đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp. Ban đầu, anh nuôi gà thịt với số lượng nhỏ để tích lũy kinh nghiệm và nghe ngóng thị trường. Sau thời gian nuôi gà thịt, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về trứng gà, anh chuyển sang nuôi gà đẻ giống Ai Cập. Với phương châm “chậm nhưng chắc”, quy mô tăng dần từ nhỏ đến lớn, đàn gà của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh, cho tỷ lệ trứng thường xuyên đạt gần 70%. Có thể nói, sau hơn 10 năm gắn bó với nuôi gà, từ vài trăm con ban đầu, đến nay anh Nguyễn Đức Anh đã mở rộng quy mô lên 4 chuồng nuôi với diện tích hơn 1.000m2, thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 6.000con, với giá trứng trung bình hiện nay khoảng 2,2 - 2,3 nghìn đồng/quả, trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Cuộc sống gia đình ngày càng khá giả, các con được chăm lo học hành đầy đủ.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo kinh nghiệm cho người dân trong thôn có nhu cầu chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Đức Anh chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của những người chăn nuôi như chúng tôi là được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; bố trí những khu chăn nuôi tập trung với cơ sở hạ tầng đảm bảo để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng một mô hình chăn nuôi theo kiểu hợp tác xã để người dân vừa liên kết và hỗ trợ nhau, đồng thời thống nhất một quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của sản phẩm; xây dựng thương hiệu, đảm bảo thị trường tiêu thụ tránh bị tư thương ép giá, như vậy mới nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho nhiều người vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nguyễn Khánh
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn