Giữ vững và nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Phúc, tính đến nay tỉnh đã có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đạt chuẩn NTM. Ngoài ra còn có TP.Vĩnh Yên và TP.Phúc Yên hiện đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ NNPTNT thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, hiện toàn tỉnh đã có 91/112 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 77 xã được công nhận đạt chuẩn.
Ông Phan Đình Đức ở thôn Hậu Lộc là người đầu tiên đưa cây bưởi Diễn trồng thành công trên đất xã ` Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T
Tính đến nay Vĩnh Phúc đã có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đạt chuẩn NTM. Ngoài ra còn có TP.Vĩnh Yên và TP.Phúc Yên hiện đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ NNPTNT thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, hiện toàn tỉnh đã có 91/112 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 77 xã được công nhận đạt chuẩn. |
Để về đích NTM đã rất khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó gấp bội. Theo Quyết định số 372 của Thủ tướng Chính phủ về việc, sau 5 năm về đích NTM, các địa phương phải xét công nhận lại. Do đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều quyết định, trong đó có quyết định về việc yêu cầu các xã không chạy theo thành tích, xây dựng NTM đến đâu chắc đến đó; chỉ công nhận các xã về đích NTM khi các xã này không nợ đọng xây dựng cơ bản…
Còn nhớ, cách đây 6 năm, khi xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường) bắt tay vào xây dựng NTM với vô vàn khó khăn, do xuất phát điểm thấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nghèo nàn. Song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo xã và nhân dân, năm 2016 Vĩnh Ninh đã về đích NTM.
Không ngủ quên trên chiến thắng, từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Ninh đã triển khai nhiều biện pháp, cách làm hay nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Theo đó, xã đã cứng hóa hơn 12km đường trục xã, thôn, xóm và hơn 8km đường giao thông nội đồng. 4/4 thôn đã có nhà văn hóa mới, 3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, công tác tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng được xã chú trọng, khi có tới 94% lao động có việc làm; 77% dân số tham gia bảo hiểm, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu động/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%...
Theo đó, để giải quyết tiêu chí lao động, xã đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, gia trại, đồng thời hỗ trợ người dân vay vốn, đào tạo nghề… Đối với tiêu chí môi trường, đây là tiêu chí nhiều xã đang gặp khó, Vĩnh Ninh đã thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường: “Sạch từ nhà ra ngõ”; “làng, ngõ, xóm xanh – sạch – đẹp”. Ngoài ra, xã còn thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, duy trì tổ tự quản các tuyến đường, nhờ đó đường làng, ngõ xóm ở Vĩnh Ninh luôn sạch, đẹp.
Không còn nợ đọng
Mặc dù đạt chuẩn NTM từ năm 2014, song xã Bình Dương (Vĩnh Tường) vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 10 tỷ đồng. Hơn 3 năm qua, xã đã huy động các nguồn lực, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, do đó đã vinh dự trở thành xã đầu tiên của huyện Vĩnh Tường trả xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2017.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Khang – Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, trong 4 năm thực hiện xây dựng NTM (2011-2014) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy sức dân để lo cho dân”, xã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, trong đó vốn của nhân dân đầu tư, đóng góp gần 216 tỷ đồng.
Năm 2014, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, việc hoàn thành xây dựng NTM đã khó nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn, nhất là hết năm 2014, địa phương vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 10 tỷ đồng.
“Để có tiền trả nợ xây dựng cơ bản, xã đã quy hoạch 3 xứ đồng: khu Óc Cá (thôn Phong Doanh); Cửa Ao (thôn Tứ Kỳ); Cửa Chợ (thôn Ngọc Đậu) với diện tích 1,5ha. Trong đó, giải quyết đất dịch vụ cho hơn 500 hộ dân, diện tích 2.400m2 đã xong trong năm 2016; giải quyết đất giãn dân cho các hộ khó khăn về nhà ở và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được 27 tỷ đồng” – ông Khang cho biết thêm.
Từ năm 2017 đến nay, ngoài việc trả xong nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 10 tỷ đồng, xã tiếp tục cải tạo, đầu tư, nâng cấp 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 vào cuối 2018; đầu tư trục đường giao thông liên thôn Lạc Trung - Phong Doanh - Tứ Kỳ, đáp ứng đi lại của người dân.
Theo ông Khang, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tính đến nay, xã có hơn 860 hộ phát triển tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động; 685 hộ làm nghề dịch vụ, thương mại, tạo việc làm cho gần 1.600 lao động; trên 100 hộ kinh doanh vận tải… qua đó đưa thu nhập bình quân đầu người của xã 2014 là 27 triệu đồng, năm 2017 là 35 triệu đồng.
Theo Việt Tùng/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn