Người dân và cán bộ xã Đồng Văn giới thiệu với phóng viên Báo Quảng Ninh về sản phẩm hồi làm nguyên liệu chế biến tinh dầu ở địa phương.
Bước vào xây dựng NTM, huyện Bình Liêu gặp rất nhiều khó khăn. Đó là đội ngũ cán bộ khu vực nông thôn, miền núi trình độ, năng lực hạn chế. Nông dân - chủ thể của nông thôn đời sống gặp nhiều khó khăn do sản xuất kém phát triển, trình độ canh tác lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn lớn. Nhiều hủ tục ở địa phương chưa được xoá bỏ. Dù đã được cấp trên quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng ở huyện vẫn thấp kém và thiếu đồng bộ do địa hình ở đây phức tạp với nhiều sông suối, núi cao, vực sâu, suất đầu tư lớn… Lãnh đạo các cấp ở Bình Liêu xác định, xây dựng NTM là cuộc vận động, là cơ hội để huyện khắc phục những hạn chế nêu trên, thúc đẩy sản xuất phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Phát huy những kết quả đạt được từ khi xây dựng NTM, năm 2014 này, huyện Bình Liêu xác định tập trung thực hiện các nhiệm vụ để duy trì các tiêu chí đã hoàn thành, phấn đấu thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, để thực hiện các chỉ tiêu trong nhóm về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, huyện Bình Liêu tập trung triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Huyện thành lập Ban Chỉ đạo và 3 tổ giúp việc (tổ phụ trách sản phẩm; tổ maketing và xúc tiến thương mại; tổ đào tạo, truyền thông và tổng hợp). Ban Chỉ đạo đã rà soát, lựa chọn và đăng ký với tỉnh các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Theo đó, bên cạnh sản phẩm miến dong Bình Liêu đã có thương hiệu khá tốt, huyện tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm gồm rượu Cao Ba Lanh - Đồng Văn, rượu thảo dược Lục Hồn, tinh dầu hồi xã Đồng Văn, tinh hồi sở xã Hoành Mô, thuốc tắm cho trẻ sơ sinh và phụ nữ sau sinh, tuyến du lịch Bình Liêu. Qua tìm hiểu ở các HTX, nhóm hộ chế biến tinh dầu hồi ở xã Đồng Văn, rượu và thuốc lá tắm ở xã Lục Hồn, chúng tôi thấy những người tham gia các mô hình này rất phấn khởi trước sự quan tâm của cấp trên, sự tiến triển tốt của các sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện nhiều mô hình khác để phát triển sản xuất như thí điểm trồng 20ha cây khoai tây theo hướng sản xuất “bốn nhà” tại 3 xã Lục Hồn, Tình Húc và Vô Ngại; trồng giống ngô mới NK6654 và NK4300 với quy mô 10ha ở xã Vô Ngại… Để phát triển sản phẩm miến dong Bình Liêu, huyện đã hoàn thành vùng quy hoạch trồng dong riềng và hỗ trợ cho gần 90 hộ trong vùng quy hoạch tập trung diện tích 154,9ha. Trong chăn nuôi thì tiếp tục phát triển các đàn lợn nái, dê, gà theo hướng tập trung... Trong nhóm tiêu chí này, cái khó của Bình Liêu hiện nay là vấn đề giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. 7 tháng đầu năm nay, huyện mới giải ngân được 0,09% số tiền 14,320 tỷ đồng từ nguồn vốn này. Nguyên nhân do năng lực lập dự án của cán bộ cơ sở và người dân hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, những tháng cuối năm, huyện phân công các phòng chức năng tăng cường hướng dẫn cho các xã; đề nghị HĐND huyện điều chuyển một phần nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất sang đầu tư hạ tầng và chuyển nguồn từ các xã giải ngân thấp sang xã thực hiện tốt. Ông Đinh Quang Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại cho rằng, nếu được huyện đồng ý chuyển nguồn vốn hỗ trợ sản xuất sang đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất thì sẽ gỡ khó cho các xã.
Huyện Bình Liêu thời gian qua cũng tập trung mạnh cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để nâng cao số chỉ tiêu hoàn thành ở nhóm này. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn cho biết: Bước vào xây dựng NTM, hạ tầng giao thông nông thôn ở xã rất thấp kém. Năm 2014 này, được sự hỗ trợ vật liệu của cấp trên, xã đã vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp của và đã hoàn thành được 3 tuyến đường thôn, nâng tổng số đường thôn được bê tông hoá lên 9km trong tổng số 40km đường thôn của xã. Bê tông hoá đường thôn cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của xã trong những tháng cuối năm 2014 và các năm tiếp theo.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là bê tông hoá đường thôn ở xã Lục Hồn cũng là tình hình chung của huyện Bình Liêu. Trong 78 công trình mà UBND huyện phê duyệt năm 2014, chủ yếu tập trung cho giao thông nông thôn (41 công trình), thuỷ lợi (23 công trình). Tới đây, khi tỉnh phân nốt 500 tấn (trong tổng số 1.000 tấn xi măng) hỗ trợ cho huyện năm 2014, Bình Liêu sẽ phân ngay cho các xã để xây dựng kết cấu hạ tầng.
Để hoàn thành và duy trì các chỉ tiêu đã đạt trong nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị, huyện Bình Liêu xác định tập trung hoàn thiện và triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế”. Đối với nhóm tiêu chí về quy hoạch, huyện Bình Liêu đã hoàn thành nhiều quy hoạch và công việc đang được huyện tập trung triển khai là hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, huyện cũng phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường để góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Trong 7 xã của huyện thực hiện chương trình NTM, đến nay, xã Lục Hồn đã đạt 12 tiêu chí, xã Hoành Mô đạt 11 tiêu chí, xã Tình Húc đạt 10 tiêu chí, 4 xã còn lại (Đồng Văn, Đồng Tâm, Vô Ngại và Húc Động) đạt 9 tiêu chí. Tính chung trong huyện thì tỷ lệ bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 9,85 tiêu chí. Cả hệ thống chính trị của huyện, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đang tích cực khắc phục khó khăn, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao số tiêu chí NTM trên địa bàn.
Ngọc Hà
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn