Nhà Văn hóa xóm Thượng, thôn Nhuận Hải, xã Khánh Hải (Yên Khánh) được đầu tư xây dựng kiên cố. Ảnh: Trần Lam
Về xã Khánh Thành - một xã điển hình của huyện Yên Khánh về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được đồng chí Phạm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới xã đã tiến hành rà soát theo bộ tiêu chí quốc gia và đã đạt được 7 tiêu chí, 6 tiêu chí cơ bản đạt và 6 tiêu chí chưa đạt.
Sau hơn 2 năm triển khai, đến cuối tháng 6 năm 2013 xã Khánh Thành đã đạt 15 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt.
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Khánh Thành xác định muốn bứt phá đi lên trước hết phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tuy trước đây giao thông nông thôn trong xã là điểm sáng của huyện, của tỉnh, song vì thời điểm đó điều kiện kinh tế của xã cũng như người dân có hạn, nên đường làm nhỏ hẹp, đi lại chưa thuận tiện, nay đối chiếu với tiêu chí về giao thông chưa đạt. Đảng uỷ xã đã xác định muốn kinh tế phát triển trước hết phải phát triển hệ thống giao thông trong toàn xã.
Do vậy Đảng ủy đã ra nghị quyết lãnh đạo, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai. Ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông thôn, xóm.
Ban chấp hành Đảng bộ, các chi bộ, chính quyền đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nông thôn. Xã đã lập hồ sơ chi tiết đất cần phải giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông thôn, xóm và đường trục chính ra cánh đồng, đồng thời vận động nhân dân mỗi sào hiến 5m2 đất để mở rộng đường nội đồng.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được đông đảo nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng, tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Các gia đình đã tự nguyện hiến 68.864 m2 đất, dỡ bỏ 1.514 m2 tường bao, 314 m2 nhà, công trình phụ; chặt bỏ hàng nghìn cây cối, hoa màu để mở rộng đường giao thông thôn xóm, đường trục chính ngoài đồng theo quy hoạch và đề án được phê duyệt.
Ngay sau khi tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng đối với đường thôn, xóm, bà con nhân dân đã hăng hái tham gia góp công, góp tiền mua vật liệu (cát, đá) để làm đường. Đến nay, toàn xã đã làm mới và nâng cấp 12,6 km đường giao thông với tổng kinh phí nhân dân đóng góp ước tính hàng chục tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 1.800 tấn xi măng. Ngoài việc nâng cấp đường giao thông, xã đã vận động nhân dân mắc điện chiếu sáng.
Đến nay 19/19 xóm đều có điện chiếu sáng với trị giá 260 triệu đồng; 19/19 xóm có nhà văn hoá và khu vui chơi thể thao; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch nông thôn; kiên cố hoá được 13,15 km kênh mương nội đồng…
Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Khánh Thành đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi nhanh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa có chất lượng cao, giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thâm canh.
Do vậy, trên địa bàn xã đã cơ bản bỏ giống lúa Tạp giao, chuyển sang cấy dòng lúa thuần, như NT2, Bắc thơm số 7, RT, QR1 năng suất không thua kém dòng lúa lai, giá trị cao hơn nên được nông dân đồng tình ủng hộ. Vụ xuân xã chỉ đạo nông dân gieo cấy 100% diện tích xuân muộn, vụ mùa cấy 100% diện tích lúa mùa sớm, để có quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông. Đồng thời xã chỉ đạo các HTX làm tốt các khâu dịch vụ, như làm đất, cung ứng vật tư, điều tiết nước, bảo vệ đồng điền để nhân dân yên tâm sản xuất…
Qua công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Khánh Thành đã rút ra một số bài học kinh nghiệm: Cấp uỷ, chính quyền tích cực vào cuộc, chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm làm tốt. Những nơi có vướng mắc, cấp uỷ đảng phải tập trung lãnh đạo, gần dân để nắm tình hình diễn biến cơ sở để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Trong phong trào thi đua phải biết khơi dậy sức mạnh của lòng dân, khai thác tối đa mọi nguồn lực; đồng thời biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, rút kinh nghiệm cách làm hay để tuyên truyền nhân rộng.
Đối với xã Khánh Thiện, sau gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Khánh Thiện đã đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt là thuỷ lợi, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động. Hiện tại, Khánh Thiện đang đề ra nhiều giải pháp để sớm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân và phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được tiêu chí này Khánh Thiện tập trung phát triển các mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập cao và phát huy lợi thế ngành nghề truyền thống của địa phương. Hiện tại, toàn xã có gần 20 gia trại, các gia trại đều làm ăn có hiệu quả.
Cùng với đó, trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình chăn nuôi, mô hình VAC, trồng cây cảnh, làm các nghề TTCN như cơ khí, may mặc, mộc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Riêng từ sản xuất TTCN và các ngành nghề năm 2012 đã cho giá trị trên 36 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động với mức thu nhập ổn định.
Là địa phương có nhiều nghề truyền thống như dệt chiếu, làm các loại bánh ẩm thực, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân từ những nghề này đồng thời khôi phục và phát triển nghề truyền thống của cha ông, ngoài việc sẽ xây dựng đề án du lịch làng nghề truyền thống, trước mắt xã khuyến khích người dân phát huy tiềm năng các nghề truyền thống, nhất là nghề làm bánh đa tại xóm Phong An. Đây là nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định, có thể làm quanh năm.
Với lợi thế có chợ Xanh, một trong những chợ lớn, là nơi trao đổi, buôn bán của nhiều địa phương lại mới được đầu tư khang trang, trong thời gian tới, Khánh Thiện phát huy thế mạnh này để phát triển các loại hình dịch vụ, buôn bán, phát triển thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, Khánh Thiện tập trung cho phát triển nông nghiệp. Ngoài việc vận động người nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, Khánh Thiện từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng vụ nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Vì thế các sản phẩm của ngành trồng trọt ở đây ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Vụ đông đã được mở rộng trên đất 2 lúa với nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Năm 2012, thu nhập từ vụ đông đạt gần 2 tỷ đồng…
Với cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Khánh Thiện đang từng bước hoàn thiện được tiêu chí quan trọng này. Đây là cơ sở góp phần để Khánh Thiện phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2013.
theo baoninhbinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn