Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Gặp khó từ thị trường Trung Quốc
Những khó khăn này đã được phân tích rõ tại Hội thảo "Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/9. Đánh giá của IPSARD cho thấy, động thái phá giá 4,6% đồng NDT hồi tháng 8/2015 của Trung Quốc kéo theo nhiều tác động xấu tới thị trường tài chính thế giới. Điều này thể hiện rõ khi giá vàng quốc tế tăng thêm 10 USD/ounce chỉ trong vòng vài phút; tiếp đó, giá đồng giảm 4%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
Kiểm tra vải thiều xuất sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Phúc Hậu Trong khi đó, Trung Quốc lại là đối tác lớn trong XK nông sản Việt Nam. 7 tháng năm 2015, thị trường này chiếm tới 36,7% tổng giá trị XK gạo, 47% giá trị XK cao su, 36,2% giá trị XK rau quả, đồng thời cung cấp tới 55% thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Kiên - quyền Trưởng bộ môn Thị trường và Ngành hàng (IPSARD) nhận định, trong 8 tháng, tất cả những mảng sáng về XK nông sản của nước ta đều vắng bóng thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản XK có chiều giảm cả về sản lượng và giá trị do thị trường Trung Quốc giảm nhập. Đơn cử, XK gạo 8 tháng giảm 8% về lượng, 13% về giá trị do Trung Quốc giảm nhập khẩu 6%.
Trước động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc, Mỹ rục rịch tăng nhẹ lãi suất để ổn định thị trường nội địa, còn các nước khác phản ứng khá dè dặt. Tuy nhiên, một phân tích sâu hơn chỉ ra rằng, diễn biến trên thị trường tài chính Trung Quốc chỉ là một đợt sóng nhỏ trong chuỗi những tác động trên thị trường thế giới.
Cụ thể, trong 3 năm vừa qua, đồng Euro giảm giá 20%, đồng Yên Nhật giảm 39%, đồng Won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Đáng chú ý nhất là các nước đang phát triển - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nông sản Việt Nam đã có bước phá giá đồng tiền mạnh mẽ hơn cả để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong XK nông sản.
Cần linh hoạt điều chỉnh
Là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, động thái thả nổi tỷ giá của Trung Quốc hiện nay được dự báo là sẽ còn gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế. Đối với XK nông sản của Việt Nam, cánh cửa vươn ra thị trường thế giới dường như có xu hướng thu hẹp lại do sự vươn rộng của một số đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Một dẫn chứng cụ thể là Thái Lan, Campuchia và Pakistan đã chia nhau giành 12% thị phần XK gạo sang Trung Quốc của nước ta chỉ trong khoảng thời gian 2 năm qua.
Ghi nhận trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đang đánh mất thị phần XK tôm trên thị trường Mỹ vào tay Ấn Độ, Indonesia... Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho thấy viễn cảnh không mấy sáng sủa của XK nông sản khi mà giá nhiều mặt hàng có chiều hướng giảm trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), về giải pháp trung và dài hạn, chúng ta phải tạo được đột phá giúp cho XK tăng trưởng một cách chủ động và bền vững. Và các đột phá chủ yếu được tạo ra từ những nhóm sản phẩm mới. "Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã XK sang 164 nước trên thế giới. Do vậy, động thái mở thêm thị trường mới không có tác động mạnh bằng tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao, như nuôi cá biển chẳng hạn" - ông Dũng phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, thế giới đã hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, có sức khống chế thị trường. Còn ở nước ta, Bộ NN&PTNT đã có nhiều đề tài nghiên cứu chuỗi giá trị nông sản nhưng chỉ dừng lại đến cửa khẩu, trong khi DN cần đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và xác lập chuỗi giá trị xuyên biên giới.
Do đó, để đứng vững được trong bối cảnh tác động của kinh tế thế giới, Bộ NN&PTNT cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, muốn XK được, quan trọng nhất là phải tạo ra sản phẩm có tính đồng nhất cao. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách trước diễn biến của thị trường như chuẩn bị gói hỗ trợ tín dụng (khoanh nợ, giãn nợ) cho DN khi có biến động xấu. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các DN có thành tích XK tốt…