Thế nhưng, chưa kịp vui thì ông đã phải “tá hỏa” vì bệnh đạo ôn cổ bông. Ông Đức cho biết: “Chỉ mấy ngày sau trổ, ruộng lúa bắt đầu lốm đốm vài bông bị khô, rồi dần dần “cháy” lan ra cả cánh đồng. Cả 4 sào ruộng DT 68 nhà tôi đều bị đạo ôn cổ bông hoành hành”.
Tận mắt chứng kiến mới xót xa, bên cạnh đồng lúa HT1, nếp 98 mây mẩy, chắc nịch thì bên trong CĐM này, gốc lúa vàng úa, cầm bông lúa nhẹ tênh, lép xẹp và héo khô từ cổ bông trở lên.
Bị đạo ôn cổ bông, cây lúa vàng úa, thiếu sức sống và cháy khô khiến người dân xã Thạch Tân rầu lòng |
Đáng tiếc, đây không phải là hộ dân duy nhất rơi vào tình cảnh này. Trong xã có 2 thôn Tiến Bộ và Văn Minh sản xuất giống lúa này thì ít nhiều đều bị “cháy” đạo ôn cổ bông. Theo người dân thì ở các giống khác, bệnh này cũng xảy ra lốm đốm nhưng không phổ biến như giống mới DT 68.
Bà Trần Thị Bảy (xóm Văn Minh) bức xúc: “Hết lo lúa đổ ngã vì mưa lại ngao ngán với lúa “cháy”. Đối với giống DT 68, chúng tôi đã phun phòng đạo ôn 2 lần mà sao vẫn không có tác dụng, nhà tôi cũng bị cháy khô đến 3 sào ruộng...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, DT 68 là giống lúa thuần do Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo và được Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An mua bản quyền sản xuất. Trong vụ xuân, giống có thời gian sinh trưởng từ 125-130 ngày và 110-115 ngày trong vụ hè thu. Theo lý thuyết, giống có năng suất nổi trội, khả năng chống đổ cũng như “miễn dịch” với sâu bệnh tốt. Vài vụ sản xuất gần đây, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã liên kết với một số địa phương tại Nghệ An và các tỉnh phía Bắc xây dựng các mô hình khảo nghiệm sản xuất. Dù chưa được Bộ NN&PTNT công nhận là bộ giống quốc gia nhưng các mô hình đã thu được kết quả khá, được nhiều địa phương ưa chuộng.
Số nhiễm nặng đành bó tay |
Tại xã Thạch Tân (Thạch Hà), vụ xuân 2013, Tổng Công ty phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà và địa phương xây dựng CĐM với diện tích 50 ha tại 2 thôn Tiến Bộ (28 ha) và Văn Minh (22 ha). Theo đó, nhà cung ứng cam kết sẽ bảo đảm năng suất bình quân nếu gặp rủi ro do thời tiết hoặc sâu bệnh do giống lúa, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 10% nếu sản phẩm đảm bảo khử lẫn tốt.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo hiện trạng của giống cho Tổng Công ty nhưng chưa thấy trả lời. Riêng Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã tổ chức đoàn về kiểm tra và kết luận do người dân bón phân không đúng quy trình dẫn đến thừa đạm. Thực ra, DT 68 là giống lúa chịu thâm canh cao, tỷ lệ bón phân cân đối NPK do Công ty cung ứng theo quy trình đã có hàm lượng khá cao, trong khi đó đầu mùa vụ do giống lúa cung ứng muộn nên bà con theo tập quán bón lót phân chuồng cho đồng ruộng”.
Cũng theo ông Ninh, bây giờ đành chịu bó tay với số diện tích bị nhiễm nặng.
Tất nhiên, bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa là do nhiều nguyên nhân, có thể do vùng cánh đồng có “tiền sử” trước đây, cũng có thể kiến thức nhận biết của người sản xuất còn non yếu dẫn đến tình trạng lây lan bùng phát; do thời tiết hoặc cũng có thể là giống lúa. Được mùa thì không nói làm gì, thiệt hại, mất mát xảy ra, nông dân chân lấm tay bùn luôn là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Thế mới thấy, ở một phương diện nào doanh nghiệp cũng nên “nới lỏng” nguyên tắc chia sẻ rủi ro với nhà nông, vừa đảm bảo lợi nhuận, uy tín của mình vừa thể hiện vai trò xã hội đối với lĩnh vực vốn nhiều rủi ro như nông nghiệp.
Cũng phải nói thêm rằng, bài học cẩn trọng chẳng bao giờ thừa trong sản xuất của các địa phương, mạnh dạn là tốt nhưng không phải bao giờ cũng quá “liều lĩnh” thử sức canh tác giống lúa mới trên quy mô lớn, nhất là đối với giống chưa được Bộ NN&PTNT công nhận.
Theo ông Nguyễn Tống Phong - Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ giai đoạn lúa xuân trổ lại nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa, độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại mùa màng. Đến thời điểm này, các triệu chứng bị bệnh đã thể hiện rõ trên đồng ruộng, thường thì trên cổ bông đoạn giáp tai lá xuất hiện vết bệnh màu đen, sau đó lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng. Hiện, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình là 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 20-30% phân bố tại Thạch Tân (giống DT 68), Lộc Hà, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Hương Khê. Thời gian tới, các triệu chứng nhiễm bệnh sẽ thể hiện rõ hơn, trong khi đó thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông lây lan, gây thiệt hại nặng nề đến năng suất lúa. |
Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn