Rào cản tiềm ẩn
Sản lượng gà thịt của Mỹ tăng trưởng trung bình 2,4%/năm, từ 10,735 triệu tấn năm 1994 lên 16,976 triệu tấn năm 2013; sản lượng gà tây tăng từ 2,239 triệu tấn lên 2,623 triệu tấn, tỷ lệ tăng bình quân đạt 0,8%. Tiêu thụ thịt gà bình quân theo đầu người tại Mỹ trong thập kỷ trước tới năm 2013 đạt khoảng 44 kg, độ lệch tiêu chuẩn 1,2 kg, trong khi tiêu thụ thịt gà tây bình quân là 7,6 kg. Sản lượng gà tây, gà thịt tăng đều qua các năm, thúc đẩy Mỹ tăng cường xuất khẩu thịt gà và nuôi mộng làm bá chủ thị trường gia cầm quốc tế.
Tuy nhiên, sau niềm lạc quan và tham vọng lớn lại là vô số rào cản tiềm ẩn. Trong khi nhiều yếu tố gây biến động nền kinh tế như tỷ giá hối đoái, thu nhập của người dân tại các nước nhập khẩu và ngành sản xuất gia cầm của nước nhập khẩu có thể ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu gia càm của Mỹ, thì những hàng rào thương mại đáng sợ hơn. Những năm 1990, Hiệp hội Trứng và Gia cầm Mỹ (USAPEEC) chỉ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy ngành gia cầm mở rộng. Ngày nay, ngoài tổ chức xúc tiến thương mại, chức năng của USAPEEC đã được mở rộng sang các vụ hạn chế hoạt động thương mại bất bình đẳng đang cản trở sự phát triển của ngành gia cầm của Mỹ trên toàn thế giới.
Chế biến gà tại Mỹ - Ảnh: mordenfarmer
Cạnh tranh gay gắt
Brazil được coi là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của thịt gà Mỹ. Hiện, hai nước này đang chi phối xuất khẩu gia cầm toàn cầu, với mặt hàng gà tây và gà thịt trên thị trường thế giới. Mỹ là một nước xuất khẩu gà tây quan trọng, thị phần 46%, trong khi đó, Brazil cũng chiếm tới 24%.
Tuy vậy, Mỹ vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục thống trị thị trường gà tây trong tương lai. Còn với xuất khẩu gà thịt, cả hai quốc gia này không cạnh tranh đối đầu với nhau bởi dòng sản phẩm mà họ cung cấp hoàn toàn khác biệt. Sản phẩm gà thịt chính của Mỹ là đùi gà tỏi và đùi gà góc tư. Còn Brazil xuất khẩu ức gà rút xương, gà chế biến sẵn và gà cỡ nhỏ nguyên con.
Do không có dịch bệnh cúm gia cầm nên xuất khẩu thịt gà của Brazil thuận lợi hơn Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Brazil cũng có nhiều quy định linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các thủ tục cấp phép xuất khẩu, thay đổi cách ghi tên người nhận hàng khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao. Brazil sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản bởi người tiêu dùng tại đây thích các sản phẩm rút xương và cắt miếng đặc biệt. Mỹ kém cạnh tranh hơn tại thị trường này do chi phí lao động tại Mỹ cao hơn Brazil. Còn với thị trường châu Âu, Mỹ hoàn toàn không thể vượt qua Brazil do châu Âu đã cấm gà Mỹ từ năm 1997. Nhưng nhìn chung, nếu xét tổng thể thì sức cạnh tranh của gà Mỹ trên toàn cầu vẫn lớn hơn do Mỹ có nguồn cung thức ăn chăn nuôi chất lượng cao và giá thấp, nhờ những ứng dụng thực hành an toàn sinh học hiệu quả, sự bền vững và những luật lệ hỗ trợ từ phía chính phủ. Do đó, dù bị yếu thế ở một vài thị trường đơn lẻ, nhưng Mỹ tự tin về ngành gia cầm sẽ vượt xa Brazil trong tương lai.
Lạc quan
Có thể thấy, sự bảo hộ sẽ là rào cản lớn nhất để ngành gia cầm Mỹ thực hiện tham vọng bá chủ trong tương lai. Tuy nhiên, bất chấp nhiều rào cản thương mại hiện hữu, thì ngành gia cầm Mỹ vẫn đang tỏ ra rất lạc quan vào vị thế của ngành trong vài thập kỷ tới. Nhiều chuyên gia trong ngành này khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh ngành chăn nuôi gia cầm vì nhìn thấy nhiều lợi ích to lớn của ngành này trong vài thập kỷ tới. Đầu tiên, gia cầm chuyển hóa thức ăn hiệu quả nhất, ít tốn nguồn nước, năng lượng, đất đai canh tác và phát thải khí nhà kính ít hơn các ngành chăn nuôi thịt đỏ khác.
Dự báo, sản lượng gia cầm toàn cầu, cũng như lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng cao. Tiếp đến là thu nhập của người tiêu dùng tại các nước đang phát triển đang được nâng cao và tăng nhanh hơn các nước phát triển trong những thập kỷ tới, đồng nghĩa tiêu thụ thịt gia cầm sẽ tăng. Hiện, tiêu thụ thịt gia cầm bình quân theo đầu người tại những nước đang phát triển thấp hơn nhiều so với những nước phát triển.
Tiếp đó, dân số toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là dân số ở những nước theo đạo Hồi vốn chỉ ăn thịt gà cũng là động lực giúp Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm. Cuối cùng là tiêu thụ thịt gà tại những nước đang phát triển tăng với tốc độ nhanh hơn sự tăng trưởng của ngành sản xuất nội địa, do đó, nhu cầu tiêu thụ thịt gà tại những nước đang phát triển sẽ còn tăng cao, biến đây trở thành điểm đến đầy hứa hẹn với những nước sản xuất thịt gia cầm lớn trên thế giới như Mỹ.
>> Từ 1994 tới 2013, xuất khẩu gia cầm của Mỹ tăng trung bình 5,4%, từ 1,523 triệu tấn lên 4,105 triệu tấn. Xuất khẩu gà thịt có sức tăng cao nhất là 5,5%, từ 1,307 triệu tấn lên 3,632 triệu tấn; xuất khẩu gà tây tăng từ 127.187 tấn vào năm 1994 lên 344.346 tấn năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,4%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn