Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới?
Chục năm gần đây chăn nuôi gà thực sự phát triển, nên nhớ rằng trước đây chúng ta chỉ chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn và đại gia súc. Thời bao cấp, giết con trâu con bò phải xin phép vì nó là sức kéo. Gia cầm chỉ nuôi ở hộ kiểu tự cung tự cấp, chưa có trang trại. Chục năm trở lại đây, theo xu thế của thế giới, sản phẩm thịt lợn vẫn là chủ yếu nhưng xu thế người tiêu dùng đang quan tâm đến thịt gà vì lý do an toàn thực phẩm và vì hiệu quả kinh tế. Bình quân phải mất hơn 2 kg thức ăn mới sản xuất được 1 kg thịt lợn, trong khi chỉ cần 1,6 kg thức ăn đã được 1 kg thịt gà. Dự báo năm 2020 thịt gia cầm sẽ chiếm vị trí chủ yếu, với 47% còn thịt heo chỉ 43% thị trường.
Nhiều người lo ngại trước tình hình gà ngoại lấn át gà nội, ông nghĩ sao về cơ hội của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước?
Tôi nghĩ nghề nuôi gia cầm sẽ có tương lai sáng lạn vì nhiều lý do. Ngoài việc thị trường rộng mở khi thịt lợn có một số tôn giáo kiêng kỵ không dùng thì thịt gà tất cả các nước đều dùng, Việt Nam vốn có truyền thống về nghề này. Chúng ta đứng thứ 20 thế giới về nuôi gia cầm, như về thủy cầm chỉ đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Gia cầm hiện đóng góp 1,7% GDP song trong những năm tới tình hình sẽ khác đi. Đơn cử như việc xuất khẩu trứng muối có tiềm năng rất lớn, chủ yếu trứng vịt mà Việt Nam lại có thế mạnh.
Chăn nuôi gà trong nước đang phát triển mạnh - Ảnh: Vũ Mưa
Nhiều người nuôi gia cầm băn khoăn không biết quy mô đầu tư như thế nào và liệu người dân bình thường có thể đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng thị trường?
Nghề nuôi gia cầm thương mại rất thuận lợi với nhiều quy mô lớn nhỏ. Chăn nuôi quy mô lớn hiện cũng phổ biến, có rất nhiều trang trại quy mô khoảng 20.000 con gà. Trước kia gà ta tự ấp, nay áp dụng nhiều công nghệ làm giống. Có những cơ sở cung cấp 27 triệu con giống. Ở Bình Định có những trang trại giống gà ta rất lớn. Bên cạnh đó quy mô trang trại nhỏ cũng rất tiềm năng. Chăn nuôi gà vòng đời ngắn, gà ta 3 tháng có thu hoạch vốn chỉ vài chục triệu, trong khi đầu tư vào lợn thì phải hàng năm và vốn rất lớn. Trâu bò thì cần dùng đồng cỏ rất lớn. Gà cũng dễ tiêu thụ, một gia đình có thể mua một con gà để ăn. Trước kia trang trại để nuôi gà là để đánh quả dịp tết. Nay việc nuôi gà rất phổ biến. Thế mạnh rất lớn nuôi gà là có thể phát triển cùng với cây nông nghiệp, trên vải nhãn, dưới là gà. Chăn nuôi không tốn diện tích. Một sản phẩm thế mạnh của gia cầm là trứng, từ người trẻ tới người già đều dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, dễ tiêu thụ.
Thực chất nền chăn nuôi gia cầm của chúng ta cơ bản vẫn còn rất nhiều điểm lạc hậu so với các nước tiên tiến, ông có cùng chung nhận định này?
Thế giới tập trung vào nuôi gia cầm đã hàng chục năm nay nên họ có những bước phát triển. Trên thế giới đều nuôi quy mô trang trại tư nhân như họ tư duy chăn nuôi cung cấp cho thị trường, ứng dụng tiến bộ của khoa học từ quy trình sản xuất giống, ấp nở, bảo tồn gen, vệ sinh chuồng trại, thức ăn công nghiệp. Họ cung cấp sản phẩm hàng hóa với chất lượng đồng đều. Ngành chăn nuôi của chúng ta có điểm yếu là người chăn nuôi chủ yếu vẫn lấy gà thịt làm gà giống, khiến giống thoái hóa. Giống thoái hóa dẫn tới giá thành cao khó cạnh tranh. Vai trò hiệp hội thì chưa rõ, các doanh nghiệp thấy chưa vào thì cũng không sao, thực ra hiệp hội ở các nước phát triển, có tiếng nói lớn. Các tập đoàn lớn của thế giới thì nghĩ khác, khi họ đến Việt Nam, việc đầu tiên họ xin gia nhập vào hiệp hội gia cầm ngay, ta thì không vào!
Đa số người chăn nuôi gia cầm có lãi ít thậm chí không có lãi, theo ông nguyên nhân là từ đâu?
Theo chúng tôi biết thì chăn nuôi có lãi, nhưng là lãi ở từng công đoạn. Hiện nay vấn đề giống như ông bà hay nói: “Nằm giữa mà mất phần chăn”: thuốc thú y lãi, giống có lãi, thức ăn có lãi, thương lái và người bán có lãi, riêng người nuôi lãi ít hoặc không có lãi! Chẳng hạn người chăn nuôi 35 ngày lãi có 2 ngàn mỗi kg, người thu mua lãi rất nhiều, họ mua gà giá 27.000 đồng/kg từ người nuôi rồi bán đến người tiêu dùng giá 70.000 đồng/kg. Đây là điều đáng suy nghĩ. Thực chất thì ngành chăn nuôi cần phải liên kết theo chuỗi, ta đang xé lẻ, sức cạnh tranh của ngành bị yếu đi.
Liệu ông có hơi lạc quan về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam hay không?
Như tôi đã nói, các nước đi trước có những sự phát triển và nhiều ưu thế, nhưng Việt Nam cũng có những thế mạnh của mình, nhất là khi đang nỗ lực vươn lên. Chi phí sản xuất gà ở Thái Lan so với Việt Nam chủ yếu chênh lệch ở chi phí sản xuất, mà nằm ở khâu làm giống. Con giống ở Việt Nam đắt gấp đôi, chi phí thức ăn cũng cao hơn. Song một số các doanh nghiệp sản xuất khép kín từ thức ăn giống, tiêu thụ đã tuyên bố có thể cạnh tranh về giá với Thái Lan và những tính toán của họ là rất thuyết phục và khoa học.
Ông lý giải như thế nào về việc thịt gà Mỹ tràn ngập với giá rẻ trên thị trường?
Chi phí sản xuất gà ở Mỹ có thấp hơn Việt Nam. Song ở Mỹ có thời điểm bị dịch, dịch xảy ra ở 13 bang nhưng một số nước cấm không cho nhập gà Mỹ dù từ bất cứ bang nào, Việt Nam cấm gà từ 13 bang bị dịch thôi, trong tình hình đó, rất có thể gà Mỹ đã tràn vào Việt Nam do nguồn cung dồi dào. Tôi cũng muốn đề cập đến hiện tượng gà tạm nhập tái xuất ở các cảng Việt Nam. Liệu gà ở các cảng này có tái xuất hay không? Theo thông tin tôi biết được thì có ngày gà được nhập vào 60 container đến cảng ở TP HCM để làm gì? Người chăn nuôi Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn nếu không có những sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Ông có kiến nghị gì để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trong năm 2016?
Đề xuất của tôi trước hết là sự minh bạch về thông tin. Một số thông tin về ngành chăn nuôi gia cầm hiện chưa sát với thực tế. Một hộ nuôi ít nhất hai lứa gà một năm, sản lượng chúng tôi ước tính trên 2,1 triệu tấn gia cầm. Nếu tính dựa vào sản lượng thức ăn thiêu thụ cho gia cầm (không thể tiêu thụ cho các loại khác) thì cũng tương đương với số lượng gia cầm là khoảng 2,1 triệu tấn. Trong khi đó, số liệu nuôi gia cầm công bố vẫn là 800.000 tấn mỗi năm là con số lạc hậu, tính theo đầu người Việt Nam rất thấp. Dựa trên những con số lạc hậu này mà nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam thiếu gà nên nhập nhiều gà là hợp lý! Cần phải phải lắng nghe những người trong ngành chăn nuôi gia cầm như chúng tôi.
Vai trò của hiệp hội cũng rất quan trọng vì không ai quan tâm tới số phận của người nuôi gia cầm bằng hiệp hội. Những gì xảy ra liên quan đến người nuôi thì hiệp hội sẽ là người cảm nhận rõ nhất và có tiếng nói sát sườn nhất. Khi đã đầu tư số tiền cả đời bỏ ra thì người ta sẽ không chấp nhận gian lận thương mại.
Ông có nhắn gửi gì đến người nuôi gia cầm?
Tôi nhắn gửi đến người chăn nuôi rằng cần nâng cao ý thức không dùng các chất cấm, dùng chất cấm tăng trọng thì tự mình tiêu diệt sản phẩm của mình. Người mua ngày nay có nhiều lựa chọn và họ sẵn sàng bỏ ra số tiền đắt hơn để mua sản phẩm an toàn hơn từ các cửa hàng uy tín. Hiện hơn 11 triệu hộ tham gia chăn nuôi, 8 triệu hộ nuôi gia cầm. Tiền học, tiền chợ đều nhìn vào nuôi gia cầm. Việc bảo vệ ngành gia cầm chính là bảo vệ tương lai của 8 triệu hộ nông dân.
>> Theo Viện Chăn nuôi, tiêu thụ thịt gia cầm chiếm 17,5% trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ của các loại vào năm 2014, trong khi đó, con số này ở các nước Đông Nam Á là 43% , châu Á là 29%. Do đó, với những con giống tốt và chất lượng cao, nếu biết tập trung vào thị trường trong nước và các thị trường khu vực có xu hướng tiêu dùng tương đối giống Việt Nam thì ngành chăn nuôi sẽ phát huy được lợi thế của hội nhập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn