1. Giống:
Sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất. Bộ giống hiện có của tỉnh ta có thể cơ cấu như sau:
- Vùng đất cát nhẹ ven biển: Thích hợp là giống V79, các vàn cao đất xấu hơn thì bố trí lạc chùm. Những vùng đất tốt hơn bố trí giống L14, L23.
- Vùng ven sông nơi có tập quán thâm canh bố trí các giống có năng suất cao như: L14, L23, sen lai.
- Vùng đồi vệ cơ cấu giống V79, QĐ12, lạc chùm.
- Lượng giống: Trung bình là 180 – 220 kg lạc vỏ/ha.
2. Làm đất và gieo hạt:Đất thích hợp cho cây lạc là thịt nhẹ hoặc cát pha, đất phải cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, lên luống hay trồng thành băng tuỳ thuộc vào địa hình nhưng phải đảm bảo giữ được ẩm và thoát được nước khi mưa.
Gieo hạt khô: Trước khi gieo nên phơi lại dưới nắng nhẹ 3 - 4 giờ. Gieo lúc có mưa nhỏ, đất ẩm, nếu đất khô nên tưới vào rạch để hạt dễ nảy mầm, gieo hạt cách xa phân bón lót 3-4cm, sau đó lấp đất dày 1-2cm phủ kín hạt.
Gieo hạt mầm: Hạt giống xử lý trong nước ấm (được pha theo tỷ lệ 2 sôi + 3 lạnh) trong từ 2-3 giờ và vớt ra để ráo rồi dùng bao bì ủ kín thúc mầm đến khi hạt lạc nứt nanh, nhú mỏ quạ mới đem ra gieo trỉa.
Khoảng cách và mật độ gieo trồng: Hàng cách hàng 25 - 30 cm, cây cách cây 15 - 17 cm (2 hạt), hoặc 10 - 12 cm (1 hạt) đảm bảo mật độ 35 - 40 cây/m
2.
3. Phân bón: - Lượng bón: 500 kg phân chuồng + 4 -5 kg Urea + 20 - 25 kg Supe lân + 7 - 9 kg Kali + 20 - 25 kg Vôi cho một sào (500m
2).
- Phương pháp bón phân:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân + 1/3 đạm + 1/2 vôi.
(Phân chuông, vôi bón trước khi bừa đất lần cuối, phân vô cơ được bón vãi đều trên luống trước khi rạch hàng).
+ Bón thúc:
Lần 1: Bón 2/3 đạm khi lạc có 2 - 3 lá thật kết hợp xới xáo làm cỏ.
Lần 2: Bón hết lượng Kali khi lạc có 6 - 7 lá thật, xới xáo nên xới sâu 5-6 cm giữa hàng, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, chú ý không vun gốc.
Lần 3: Bón hết số vôi còn lại, xới và kết hợp vun gốc sau khi lạc tắt hoa 5 - 7 ngày.
Chú ý: Cần phun thêm các chế phẩm vi lượng để tăng năng suất và chất lượng quả, phun vào thời kỳ lạc ra hoa rộ.
4. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh: Cần tiến hành dặm sớm để đảm bảo mật độ, làm cỏ xới xáo, vun gốc kết hợp với các lần bón phân. Kiểm tra tháo nước sau các đợt mưa lớn nếu ruộng lạc bị ngập nước, trong điều kiện thời tiết khô hạn phải tưới nước vào hai thời kỳ quan trọng trước khi ra hoa (thời kỳ 6 - 7 lá) và thời kỳ làm quả.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời, chú ý các đối tượng: sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu xám,...
KỸ THUẬT TRỒNG LẠC CHE PHỦ NILON Trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon có nhiều ưu điểm: Giữ được ẩm, tăng nhiệt độ, chống rét, tăng hoạt động của vi sinh vật trong đất, tăng sự hấp thu ánh sáng của tầng lá, giảm công làm cỏ, vun gốc nên làm tăng năng suất và hiệu quả trồng lạc 20 - 30% hoặc cao hơn.
Kỹ thuật sản xuất lạc che phủ nilon thực hiện qua các bước sau:
- Làm đất, gieo hạt: Đất cày bừa kỹ, lên luống rộng 1m (cả rãnh 1,3m), cao 10 - 15cm. Gieo 4 hàng, mật độ 35 - 40 cây/m
2 (hốc cách hốc 15 - 16cm x 2 hạt/hốc). Sau khi gieo xong làm phẳng luống, phun thuốc trừ cỏ có thể dùng các loại thuốc như Achetochlor hoặc Ronsta để phun rồi mới che phủ nilon. Không nên trồng lạc trên vùng đất thường bị bệnh héo xanh vi khuẩn hoặc thối quả nặng.
- Phân bón: - Lượng bón như quy trình thâm canh ở trên.
- Cách bón:
+ 1/2 vôi bột bón rãi đều trước khi bừa đất lần cuối, lên luống rạch hàng sâu 6 - 8cm, bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + đạm + kali, theo rãnh, lấp phân, sau đó gieo hạt ở độ sâu 2 - 3 cm. Phải xử lý hạt nẩy mầm trước khi gieo.
+ Lượng vôi còn lại bón vào gốc khi lạc tắt hoa 5 – 7 ngày.
- Kỹ thuật che phủ nilon: Nilon trong suốt chuyên dùng cho lạc, độ dày nilon từ 0,007 - 0,01 mm (đảm bảo 1kg nilon phủ được 100m
2 đất). Để thuận lợi trong các thao tác làm và đạt hiệu quả sản xuất cao dùng loại nilon có đường kính ống rộng 60cm cho mặt luống rộng 1m và đường kính ống 35 cm cho mặt luống rộng 50 - 55cm. Dùng dao rạch một bên nilon khổ 0,6 thành 1,2m căng phẳng trên mặt luống, phủ trùm xuống hai bên mép mỗi bên 10cm và vét đất ở rãnh ập nhẹ vào hai bên luống để cố định nilon.
* Đục lỗ nilon: Sau khi lạc nhú lên khỏi mặt đất dùng ống bơ đục lỗ nilon cho lạc lên (đường kính rộng 7 - 8 cm), sau đó bới nhẹ đất xung quanh gốc để cho hai lá mầm lộ ra khỏi mặt đất; tạo điều kiện cho cành cấp 1 phát triển sớm, cành mập.
Lưu ý: Sau khi gieo trỉa xong cần theo dõi đồng ruộng thường xuyên để đục lỗ kịp thời khi lạc mọc lên, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Thanh Duyên
Theo sonongnghiephatinh.gov.vn