Từ năm 2000, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) bắt đầu lai hồi giao gen Xa 21 kháng bệnh bạc lá vào các giống lúa lai. Đến nay công ty đã có dòng sản phẩm giống lúa lai kháng bệnh bạc lá hiệu quả...
SSC lai chuyển thành công gen Xa 21
Bệnh bạc lá là một bệnh hại chính trên cây lúa ở đồng bằng sông Hồng trong vụ mùa. Mỗi năm diện tích lúa bị hại từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn ha. Nếu nhiễm bệnh bạc lá năng suất lúa sẽ từ 10-30%. Theo các chuyên gia của SSC, bệnh bạc lá gây hại nhiều trên hầu hết các giống lúa hiện đang phổ biến, nhất là những giống lúa lai Trung Quốc.
Việc lai tạo giống lúa kháng bệnh bền vững là một thách thức không nhỏ đối với ngành giống vì có nhiều nòi vi khuẩn với độc tính khác nhau phân bố theo vùng lãnh thổ và theo thời gian; vi khuẩn với khả năng đột biến cao cũng dễ dàng tiến hóa phá vỡ tính kháng của ký chủ.
Nhị ưu 838KBL được trồng ở vụ mùa 2013 tại huyện Vụ Bản, Nam Định.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) đã phát hiện gen Xa 21 kháng bệnh bạc lá trong loài lúa hoang dại Oryza longistamina và chuyển gen này vào giống lúa IR24 bằng công cụ công nghệ sinh học. Giống lúa lai có gen Xa 21 có tính kháng mạnh và bền (hơn hẳn các gen kháng bạc lá hiện có). Gen Xa 21 có phổ tính kháng rộng, kháng được 29 nòi vi khuẩn từ 8 nước.
Tại Việt Nam, bạc lá cũng là loại bệnh gây nhiều thiệt hại cho sản xuất lúa. Để giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí trong sản xuất nông nghiệp, tránh mất mùa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Tiếp thu thành quả nghiên cứu của IRRI, từ năm 2000, SSC đã tập trung áp dụng phương pháp lai hồi giao cổ điển kết hợp với xét nghiệm bằng marker thanh lọc bệnh nhân tạo với nhiều nòi vi khuẩn gây bệnh bạc lá của đồng bằng sông Hồng để lai chuyển gene Xa 21 vào một số giống lúa lai phổ biến.
Hiện nay, SSC đã cho ra đời một dòng sản phẩm kháng bạc lá (KBL) mang gen Xa 21 gồm những giống lúa lai như: Bác ưu 903 KBL, Nhị ưu 838 KBL và Nam ưu 209… “Trong tương lai, hầu hết các giống lúa lai của SSC cho miền Bắc đều có tính kháng bệnh bạc lá” – ông Dương Thành Tài-Phó Tổng Giám đốc SSC cho biết.
Đặc tính các giống lúa lai KBL của SSC
l Bác ưu 903 KBL: Có thời gian sinh trưởng 120-125 ngày, chống đổ tốt, chịu úng, thích hợp với chân vàn trũng, chất lượng gạo khá và đặc biệt là tính kháng bệnh bạc lá rất tốt. Bác ưu 903 KBL phục hồi rất tốt sau khi bị ngập lụt, năng suất lúa bình quân 5- 6 tấn/ha. Bác ưu 903 KBL được cung cấp cho nông dân vùng ĐBSH từ năm 2007 với quy mô 400-500 tấn hạt giống/vụ. Giống lúa này đã được Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2013.
Theo SSC: Mỗi ha trồng giống lúa lai kháng bạc lá KBL có thể tăng thêm lợi nhuận cho nông dân 1-3 triệu đồng do tiết kiệm thuốc trừ bệnh và tăng năng suất.
l Nhị ưu 838KBL: Có diện tích gieo trồng lớn nhất hiện nay, khoảng 250.000ha. Giống có tính thích nghi rộng, cứng cây, năng suất, tỷ lệ chắc hạt cao; chống chịu nóng, hạn, rét, phèn mặn tốt nhưng lại bị nhiễm nặng bệnh bạc lá nên ít được trồng trong vụ mùa.
Để hạn chế nhược điểm trên, SSC đã hồi giao gene Xa 21 vào Nhị ưu 838 giúp giống này có tính kháng bệnh bạc lá. Vụ mùa 2013, Nhị ưu 838KBL (có gen Xa 21) được SSC trồng thử nghiệm ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… tại chân đất vàn thấp, trũng, điều kiện thời tiết không thuận lợi, bệnh bạc lá phát triển mạnh.
Kết quả Nhị ưu 838KBL đã thể hiện được đầy đủ các đặc tính ưu việt của Nhị ưu 838, đặc biệt thể hiện tính kháng bệnh bạc lá tốt. Đến nay SSC là công ty duy nhất trong nước duy trì và nhân giống được dòng bố mẹ của giống lúa lai Nhị ưu 838 nên chủ động được hạt giống bố mẹ để sản xuất hạt F1.
l Nam ưu 209: Là giống lúa lai 3 dòng do SSC lai tạo nổi bật về chất lượng gạo- cơm thơm nhẹ, dẻo mềm, vị đậm. Giống lúa này ngoài kháng bệnh bạc lá còn có khả năng kháng đạo ôn và chống chịu rầy nâu tốt. Qua các vụ mùa thử nghiệm ở các tỉnh ĐBSH từ năm 2011, Nam ưu 209 cho năng suất tương đương với Bác ưu 903KBL và được nông dân đặt niềm tin.