Nhiều chuyên gia cho rằng trong vòng 20 năm nữa, Việt Nam vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”.
Đừng ngủ quên với quá khứ
Trong một video clip được phát tại Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp ĐBSCL (Mekong Connect CEO Forum) do Câu lạc bộ Doanh nhân dẫn đầu phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào chiều 4-9 tại thành phố Cần Thơ, bà Shahar cho rằng Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời nhưng như vậy chưa đủ, Việt Nam cần làm mới nông nghiệp bằng những ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất.
Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ cao đã được thực hiện trong nhiều dự án nông nghiệp tại Việt Nam và mang lại hiệu quả, nhưng đây chưa phải là câu chuyện phổ biến của nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, điều đầu tiên cần thực hiện là thay đổi tư duy về ngành nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ khi tư duy thay đổi thì mới có những hành động phù hợp. Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định nhưng ĐBSCL cần từ bỏ “tư duy chị nuôi” đứng ở cửa sau đảm bảo bếp ăn cho cả nước, mà cần phải tiến lên cửa trước, trở thành một chị bán hàng chuyên nghiệp. Để làm được điều này, ông Dưỡng cho rằng cần phải nâng tầm nông nghiệp từ sản xuất thô sơ đi vào công nghiệp hóa nông nghiệp.
Viên gạch đầu tiên của công nghiệp hóa nông nghiệp không thể thiếu cơ khí hóa nông nghiệp. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thể Hà, cố vấn của Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Nhà nước đã không có chính sách cơ khí hóa phù hợp cho ĐBSCL, mà cụ thể là trong bản đồ cơ khí hóa của Bộ Công Thương không có khu vực ĐBSCL.
Đó là câu chuyện vĩ mô. Lần lại quá khứ, ông Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, tâm tư: “Chúng tôi từng đề nghị chọn máy móc cơ khí nông nghiệp làm chiến lược phát triển. Tuy vậy, cuối cùng là ô tô, một ngành mà Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh lại được chọn”.
Ở tầm vi mô, ông Hà bày tỏ sự lo lắng không kém khi khoa Cơ khí nông nghiệp Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm không có sinh viên theo học. “Vậy là xong! Không có cơ khí hóa thì không có công nghiệp hóa, làm sao phát triển nông nghiệp?”, ông Hà nói.
Viên gạch thứ nhất đã không chắc chắn, viên gạch thứ hai là ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp cũng chẳng khá hơn. Theo ông Dưỡng, khi đi vào công nghệ sinh học, chúng ta có thể bắt vi sinh tạo ra của cải vật chất. Đây là lực lượng lao động làm việc không quản ngày đêm mà chúng ta có thể tận dụng. Tuy vậy, điều gì đang diễn ra? Cũng lại là nhiều trường đại học có khoa công nghệ sinh học nhưng không thu hút được sinh viên.
Rõ ràng, hai trong số nhiều viên gạch cơ bản để tăng năng suất ngành nông nghiệp đã không được quan tâm đúng mức và vẫn còn vô vàn khó khăn ở phía trước đối với nông nghiệp ĐBSCL.
Không phải tất cả đều là màu xám
Những khó khăn nội tại cộng với sức ép của hội nhập sâu rộng trong thời gian sắp tới đang đặt nền nông nghiệp Việt Nam vào thế chân tường. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, đây cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam bứt phá.
Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tìm được lối đi riêng, qua đó nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nâng cao đời sống của người nông dân. Câu chuyện Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời, nguyên là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đã từng bước đi vào ngành lúa gạo, xây dựng nguyên chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ hạt giống, gieo trồng, chế biến, đóng gói đến xuất khẩu với những thành công ban đầu là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta cũng có thể thấy nhiều ví dụ thành công khác trong lĩnh vực nông sản như Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang, Dừa Lương Quới, Vinamit...
Hoặc như trong ngành thủy sản có câu chuyện của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang là một ví dụ thành công trong lúc ngành cá tra gặp muôn vàn khó khăn.
Theo ông Trần Hoàng Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong khó khăn, có rất nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường nhưng cũng có những doanh nghiệp thành công.
“Nhìn kỹ lại, có thể thấy những ai “tay ngang”, không chuyên nghiệp nhảy vào thì dần dà cũng phải nhảy ra. Những trường hợp thành công đều là những doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình”, ông Tuyên nói.
Quả thật những người chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tìm ra lối đi riêng. Nhưng để nâng tầm một nền nông nghiệp quốc gia, giúp đất nước phát triển, vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, từ định hướng chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến khuyến khích doanh nghiệp và giới trẻ tham gia tích cực vào nông nghiệp...
Đây không chỉ là góc nhìn của các chuyên gia Việt Nam trong diễn đàn vừa qua. Đây còn là chia sẻ của bà Shahar, một người đến từ Israel - quốc gia nổi tiếng với nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển từ những mảnh đất cằn cỗi. Bà nói: “Ở một đất nước với 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp...”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn