Kể từ cuối năm 2012, giá sữa đã bắt đầu vào “cơn bão” giá. Đến tháng 1.2013, một số hãng sữa ngoại như Dumex, Mead Johnson đã điều chỉnh tăng giá bán trên dưới 10%. Và “tâm bão” của đợt tăng giá bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán với hàng loạt hãng sữa nội thông báo điều chỉnh giá.
Một số hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá, trong khi giá thu mua nguyên liệu sữa không tăng. |
Cụ thể, Vinamilk từ ngày 17.2 (mùng 8 tết) đã tăng giá từ 5 - 7% cho hầu hết các sản phẩm của mình, trừ sản phẩm sữa chua và hàng bình ổn. FrieslandCampina Việt Nam (FCV) thông báo từ ngày 1.3.2013 sẽ điều chỉnh giá của một số sản phẩm Friso và Dutch Lady, với mức tăng từ 8 - 9%. Theo hệ thống siêu thị Big C, Vinamilk cũng gửi yêu cầu tăng giá 7 - 8% cho khoảng 80% các sản phẩm sữa bột, sữa đặc, thức ăn giặm cho trẻ em (trừ sản phẩm bình ổn) từ tháng 3. Tương tự, Nutifood cũng gửi yêu cầu tăng giá từ 18.3. Lý do các hãng đưa ra cho việc tăng giá vẫn là do chi phí đầu vào tăng nên công ty bắt buộc phải tăng...
Giá sữa thu mua vẫn... bất động
Theo các hộ nông dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi, TP.HCM, các hãng sữa tăng giá bán nhưng không tăng giá thu mua sữa cho nông dân, nên họ không được hưởng lợi gì hết từ đợt tăng giá này. Chị Lê Thị Chín - một hộ nuôi bò sữa ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết đã 2- 3 năm nay các hãng sữa chưa hề tăng giá thu mua cho các hộ chăn nuôi. Họ chỉ có các chính sách thưởng khi người nuôi bán sữa chất lượng tốt mà chính sách này nào giờ đã vậy.
Trong khi đó, chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, công lao động, điện nước... tăng thêm từ 5 -7%/năm nên nông dân không bù đắp đủ chi phí. Hiện giá thu mua sữa của các Công ty Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam hiện từ 11.000-11.600 đồng/kg. Tình trạng giá sữa nguyên liệu nằm im cũng xảy ra nhiều nơi.
Ông Đặng Hùng Phong ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nuôi 10 con bò sữa, trong đó có 3 con thường xuyên cho sữa với lượng sữa 100 lít/ngày. Ông cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay vẫn bán cho Công ty cổ phần Sữa Quốc tế IDP, nhưng giá sữa vẫn giữ nguyên ở mức 11.700 đồng/lít, không hề tăng. "Công ty thu mua qua đại lý nên thực tế người nông dân cũng không biết giá sữa của công ty đang thu mua là bao nhiêu, có tăng hay không? Có khi công ty đã tăng giá nhưng khâu trung gian lại… ăn hết" - ông Phong nói.
Tại vùng nguyên liệu sữa Mộc Châu (Sơn La), giá sữa của nông dân chăn nuôi bò vẫn không có gì thay đổi. Anh Nguyễn Văn Thắng - hộ chăn nuôi bò sữa tại tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, Sơn La, cho biết: "Chúng tôi có nghe việc các hãng khác tăng giá sữa nhưng giá sữa của chúng tôi vẫn bao năm nay vẫn vậy. Hiện giá sữa nguyên liệu chúng tôi giao hàng ngày cho công ty vẫn duy trì ở mức 13.000 đồng/kg, mức giá này đã có từ rất lâu. Nếu thời gian tới, công ty không tăng giá sữa thì khó khăn cho chúng tôi bởi giá cỏ khô, cám và những dịch vụ khác đã rậm rịch tăng".
Còn ông Đinh Văn Trường trú tại Tiểu khu 68, thị trấn Nông Trường Mộc Châu chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như các hộ chăn nuôi khác, phải nhập cỏ ngoại (Mỹ) để cho bò ăn vì số lượng cỏ gia đình trồng không đủ. Chi phí theo đó cũng tăng. Trong khi đó, thời gian qua nghe tin nhiều hãng tăng giá sữa nhưng đến nay giá sữa của chúng tôi vẫn ổn định. Chúng tôi chưa thấy phía công ty thông báo gì về việc tăng giá sữa nguyên liệu cả...
Chưa nghĩ đến việc tăng giá nguyên liệu
Trao đổi với NTNN, ông Bùi Đăng Khảm - cán bộ quản lý Công ty Sữa Mộc Châu khẳng định: “Sản phẩm sữa Mộc Châu luôn ổn định trên thị trường về cả số lượng và chất lượng. Việc các hãng sữa khác tăng giá không quá ảnh hưởng đến chúng tôi. Do đó, trong thời gian tới phía công ty chưa có dự định nào trong việc tăng giá sữa. Hiện tại, giá sữa đóng thùng loại to của công ty vẫn giữ giá là 305.000 đồng/thùng; loại nhỏ là 293.000 đồng/thùng".
Đại diện Công ty cổ phần Sữa Quốc tế IDP, ông Trần Bảo Minh - Phó Tổng Giám đốc thừa nhận là giá sữa thu mua của nông dân hiện công ty vẫn chưa tăng. Hiện, để thu mua được sữa, công ty vẫn phải sử dụng các hệ thống đại lý ở các làng nhưng giá thu mua của các đại lý nay vẫn phải tuân thủ theo giá quy định của nhà máy. Tất nhiên, giá sữa ở mỗi khu vực, mỗi hộ gia đình có sự khác nhau (sữa sạch có thể đắt hơn 1.000 đồng so với sữa có chứa vi sinh) do nhà máy có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng sữa.
"Hiện giá sữa bán ra thị trường của nhiều doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đều tăng do giá nguyên liệu tăng. Phía công ty cũng đã có kế hoạch tăng giá thu mua sữa cho người nông dân, nhưng cũng chỉ khoảng 2-3% vào đầu tháng 3 tới" - ông Minh nói.
Lý giải về việc vì sao không tăng giá thu mua cho nông dân, đại diện Công ty FCV cho hay, hệ thống kiểm soát và đảm bảo chất lượng sữa tươi với những công cụ kiểm soát chặt chẽ, xuyên suốt trong chuỗi thu mua sữa (từ trang trại đến nhà máy) của công ty đã giúp nông dân ngày càng nâng cao khả năng tự kiểm soát và sản xuất ra sữa tươi an toàn, chất lượng cao.
“Năng suất sữa bình quân của các hộ đã tăng liên tục, từ 11,4 kg/bò vắt sữa/ngày trong năm 2005 đã lên đến 13,2kg/bò vắt sữa/ngày trong năm 2011. Mức lợi nhuận/chi phí đã tăng từ 2.9- 9,9% (năm 2006) lên đến 22% (năm 2012, với các trại nhỏ có dưới 10 con bò), thậm chí đến lên 28% (với các trang trại có trên 40 con bò). Do đó, việc chưa tăng giá nguyên liệu là cũng có cơ sở” - đại diện FCV nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy đợt tăng giá sữa này, các doanh nghiệp tiếp tục được hưởng lợi, còn phần thiệt như thường lệ lại thuộc về phía người tiêu dùng, nông dân. Bao giờ nghịch lý này được giải quyết vẫn chưa có câu trả lời.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn