Theo quy định tại Nghị định này, nông dân có thể vay vốn mà không cần bảo đảm bằng tài sản. Song, thực tế triển khai lại khác. Dù có trang trại rộng hơn hai mẫu, thả cá, nuôi gà, trồng cây ăn quả nhưng trước khi có Nghị định 41, ông Nguyễn Văn Hưng, nông dân ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) rất khó vay được vốn vì không có tài sản bảo đảm. Phần lớn vốn đầu tư trang trại ông phải vay ngoài với lãi suất cao. Sau khi Nghị định ra đời, được biết có thể vay vốn mà không cần thế chấp tài sản, ông Hưng rất phấn khởi chờ tới ngày Nghị định chính thức được triển khai từ ngày 1-6-2010. Nhưng khi trực tiếp đi làm thủ tục vay, mới biết không đơn giản. "Nghe thì dễ, nhưng tiếp cận thật khó", ông Hưng cho biết. Theo quy định, nông dân muốn vay vốn vẫn phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Như vậy chẳng khác gì cho vay thông thường. Bên cạnh đó, dù nông dân chấp nhận giao sổ đỏ, nhưng nhiều ngân hàng vẫn chưa tạo điều kiện cho vay. Những khúc mắc trong việc vay vốn theo Nghị định 41 như trường hợp nói trên không phải cá biệt. Cũng theo nghị định này thì cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tối đa không cần thế chấp tài sản lên đến 50 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều hộ nuôi tôm ở tỉnh An Giang cũng khó tiếp cận được nguồn vốn này. Do tôm chết liên tục, đã đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh suy kiệt về tài chính, nhiều hộ không có khả năng tái sản xuất vì phần lớn sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng, chưa có khả năng chuộc lại. Trong khi đó, những hộ may mắn còn tôm thì mong có vốn để mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhưng khi đến "gõ cửa" ngân hàng, thì chỉ được cho vay nhỏ giọt, tạm ngừng vay mới với lý do không cân đối được vốn, hoặc cho vay với rất nhiều điều khoản mà người nuôi tôm khó đáp ứng trong thời điểm hiện nay.
Khu vực nông nghiệp, nông thôn đang rất cần các nguồn vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhưng hiện nay, vẫn đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa nhu cầu về vốn và thực tế đáp ứng. Ðể giúp nông dân tiếp cận vốn vay theo Nghị định 41 của Chính phủ một cách thuận lợi và đúng luật, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông dân, thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng, thay vì phải cầm cố hay "nộp" sổ đỏ, vì đây là tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn