Liên kết làm ăn
Câu nói: “Sáng rau, chiều rác” cho thấy tính rủi ro của nghề trồng rau màu rất cao. Chỉ cần qua một ngày không tiêu thụ được là thành quả lao động của nông dân trong suốt 1-2 tháng trời trở thành thứ vứt đi. Vì vậy, nông dân rất ngán ngại trồng rau màu thương phẩm nếu không có đầu ra ổn định. Không ít HTX sản xuất rau an toàn sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa vì không tìm được thị trường tiêu thụ.
Sự ra đời của Liên minh Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Ecofarm giữa Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm) và 120 hộ dân chuyên sản xuất rau ở các xã Bàn Thạch, Long Thạnh, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hòa và Ngọc Hòa (Giồng Riềng, Kiên Giang) đã mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.
Ông Ngô Hoàng Sự, Chủ nhiệm HTX Long Tiến (xã Long Thạnh) cho biết: “Trước đây, HTX trồng rau chủ yếu là cung cấp cho các chợ huyện và tỉnh, dù có mối đến cân hàng ngày nhưng giá cả trồi sụt thất thường nên rất bấp bênh. Từ khi tham gia Liên minh Sản xuất rau an toàn Ecofarm, được Cty ký kết hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra nên các xã viên rất an tâm sản xuất.
Hiện nay, HTX đang trồng 5ha dưa lê theo hợp đồng, giá cả đầu ra được bao tiêu cố định ở mức 10.000 đồng/kg. Năng suất dưa lê đạt 18 tấn/ha, tính ra lợi nhuận cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Trong khi đó, thời gian canh tác loại dưa này chỉ mất 70 ngày, mỗi năm trồng 2 vụ vẫn còn thời gian trồng lấp lại vụ lúa và cho đất nghỉ. Đây được xem là hướng phát triển bền vững của HTX”.
Xã viên Đinh Văn Út, HTX Long Tiến là người có nhiều kinh nghiệm trồng dưa hấu. Tuy nhiên, do giá cả đầu ra bấp bênh nên trước đây anh chỉ trồng dưa hấu tròn để bán chưng Tết. Vì đây là vụ dưa có giá cao và dễ tiêu thụ nhất trong năm. Từ khi được Ecofarm ký hợp đồng trồng các giống dưa chất lượng cao do Cty cung cấp hạt giống, vật tư, mỗi năm anh Út làm 2 vụ, thời gian còn lại trồng lúa.
Từ đó, gia đình anh Út đã quyết định chuyển hết 2,3 ha đất đang canh tác sang trồng dưa theo hợp đồng ký kết với Ecofarm. “Chi phí giống, vật tư được Cty cho ứng trước đến khi thu hoạch mới lấy lại nên nông dân chỉ cần bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng/công cho phí bơm tưới, làm đất công chăm sóc… nên cũng nhẹ gánh lo. Nếu nhà có sẵn lao động thì chi phí còn giảm đi nữa, lợi nhuận tăng lên”, anh Út tâm sự.
Mô hình liên kết trồng rau trong nhà lưới của Cty Ecofarm
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân ở Giồng Riềng đã mạnh dạn tham gia HTX để trồng rau, màu theo hợp đồng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 3 HTX và 2 Tổ sản xuất rau an toàn để cung cấp cho Ecofarm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân, nhất là những hộ có diện tích đất ít, chỉ một vài công, làm lúa không hiệu quả.
Yên tâm đầu ra
Ông Nguyễn Minh Hưởng, Giám đốc Cty CP Nông trại Sinh thái Kiên Giang cho biết, tùy từng thời vụ mà lượng rau bao tiêu của Cty có sự tăng, giảm. Cao nhất là vào các dịp lễ, Tết nhu cầu tiêu thụ lớn. Còn hiện nay, trung bình mỗi ngày Cty bao tiêu thu mua cho nông dân Giồng Riềng khoảng 2 tấn rau các loại, chủ yếu là rau ăn quả như dưa leo, bí đao, khổ qua, bầu, mướp và một số loại đậu…
Các sản phẩm Cty bao tiêu cho nông dân đều được quản lý rất kỹ từ khâu chọn giống, quy trình sản xuất, chất lượng được đảm bảo nên siêu thị, nhà hàng, khách sạn rất thích. Vì vậy, khi tham gia trồng và tiêu thụ rau, màu theo hợp đồng cả người nông dân lẫn người tiêu dùng đều yên tâm.
Lão nông Trịnh Văn Liệt ở xã Bàn Thạch cho biết: "Sau khi được tham gia các buổi hội thảo và tham quan thực tế mô hình trồng rau theo hợp đồng bao tiêu của Ecofarm, tôi thấy rất yên tâm nên đã mạnh dạn đầu tư làm. Ai cũng biết trồng rau, màu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa nhưng lo ngại nhất là khâu tiêu thụ. Lúa làm ra chưa tiêu thụ được có thể trữ lại 1-2 tháng, còn rau màu thì chỉ có nước bỏ đi.
Bây giờ được Cty ký kết hợp đồng bao tiêu nên chúng tôi rất yên tâm. Giá cả đầu ra được thỏa thuận trước ngay từ đầu vụ nên chỉ cần tính toán được năng suất là đã biết mình lãi được bao nhiêu rồi, chứ không còn cảnh hồi hộp sợ bị ép giá nữa".
Trồng rau theo cách này làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế khoảng 20-30% so với sản xuất rau truyền thống, tăng chất lượng sản phẩm và giảm các nguy cơ gây mất an toàn cho rau do các tác nhân hóa học, sinh học và vật lý. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho Cty, đảm bảo tính cạnh tranh với các sản phẩm rau cùng loại, giúp Cty đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế. |
Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Cty Ecofarm, hiện tại khu vực Giồng Riềng Cty đang ký kết hợp đồng với nông dân trên diện tích 70 ha để trồng các loại dưa, rau quả chất lượng cao. Cty sẽ lo toàn bộ giống, vật tư đầu vào, máy móc thiết bị sản xuất, kỹ thuật…, nông dân góp đất và công lao động nên không phải đau đầu về vốn.
Đến khi thu hoạch, Cty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cố định đã được ký kết. Nếu vượt số lượng theo hợp đồng thì hai bên thỏa thuận theo giá thị trường. Vì vậy, nông dân không phải bận tâm đầu ra, chỉ yên tâm sản xuất.
Theo ông Nguyễn Minh Triết, Tổng Giám đốc Ecofarm thì hiện nay Cty đã thành lập được 7 chi nhánh ở những vùng trồng rau, màu trọng điểm của ĐBSCL như Kiên Giang (Giồng Riềng, Phú Quốc), Hậu Giang, Cần Thơ, Long An… để mở rộng mô hình trồng rau theo hợp đồng. Và Cty đang tiếp tục mở rộng hơn nữa nhằm phủ kín các tỉnh.
Riêng Liên minh Sản xuất rau an toàn Ecofarm tại huyện Giồng Riềng, có tổng vốn đầu tư hơn 11,17 tỷ đồng, trong đó được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 4,47 tỷ đồng thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghiệp của Bộ NN-PTNT. Nông dân tham gia dự án này sẽ được hỗ trợ không hoàn lại 40% chi phí sản xuất. Mục tiêu của Liên minh là giúp các hộ nông dân trồng rau nhỏ lẻ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như: Trồng các giống rau có chất lượng cao, trồng cây gốc ghép, sử dụng màng phủ nông nghiệp…, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn