Thủy hải sản, trong đó có cá ngừ đại dương, là một trong những ngành có lợi thế xuất khẩu của VN nếu nâng cao chất lượng đánh bắt và bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm
TS Trần Du Lịch cho biết mặc dù xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc, trên 22% năm trong những năm gần đây và trở thành nguồn chủ lực tăng trưởng kinh tế nhưng còn phát triển chưa xứng tầm. Sự tăng trưởng xuất khẩu chưa có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội địa; tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm và sự đóng góp tương ứng vào tăng trưởng GDP. Xuất khẩu tập trung quá nhanh vào một số thị trường lớn nhưng nghèo nàn về chủng loại sản phẩm nên rủi ro cao khi “trứng dồn về một rổ”.
TS Trần Du Lịch
Là một đất nước nông nghiệp nhưng hiện tại các sản phẩm nông sản xuất khẩu vẫn còn đóng dưới “mác” nước ngoài và chưa có thương hiệu riêng, đây có phải là một hạn chế của hoạt động xuất khẩu nước ta?
- Quả đúng như vậy. Xuất khẩu tuy đa dạng và đến được nhiều nước nhưng chưa khai thác được thế mạnh của một đất nước có nền nông nghiệp nhiệt đới. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nền nông nghiệp VN chưa bán cái thế giới cần mà chỉ đang bán cái mình có. Nông sản xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả, thậm chí doanh nghiệp còn bán phá giá lẫn nhau, không tập trung vào phát triển chất lượng nên một khi cung vượt cầu thì rủi ro về giá cả cao như trường hợp của gạo, cà phê, cao su, cá basa,… trong thời gian qua. Ngoài ra, sự phát triển còn thiếu đồng bộ giữa xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Ví dụ năm 2013 VN xuất khẩu 3,5 tỷ USD gạo, nhưng nhập khẩu lại đến 3,7 tỷ USD thức ăn gia súc gia cầm. Chứng tỏ chúng ta còn thiếu nền công nghiệp phụ trợ nên còn lệ thuộc vào nước ngoài nhiều về nguồn nguyên liệu.
Làm thế nào để thoát được tình trạng này, thưa tiến sĩ?
-Bộ NNPTNT đang có đề án tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp nhưng như đã nói ở trên, chính sách cần phải có sự phát triển đồng bộ, không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn phải tạo ra nguyên liệu đầu vào cho ngành. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng xâm lấn thị phần thái quá của một sản phẩm, một thị trường như trường hợp cá basa ở thị trường Mỹ, sẽ kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá...
Ông có nói rằng, điều quan trọng nhất trong xuất khẩu là phải tạo được sự khác biệt cho sản phẩm, cụ thể là sự khác biệt như thế nào?
- Trở lại ví dụ cá basa ở thị trường Mỹ, chúng ta đã đẩy quá nhanh sản lượng phi lê bán vào thị trường này, cạnh tranh về số lượng và giá cả với phi lê cá nheo nước sở tại. Lập tức Mỹ dựng lên hàng rào bảo hộ với đủ loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Như vậy chúng ta phải bớt sản lượng cá phi lê đi và tăng cường các sản phẩm chế biến, sản phẩm có giá trị gia tăng và thay đổi mẫu mã, kiểu dáng để tạo nên sự khác biệt với sản phẩm mà họ đang có.
Về công tác phát triển thị trường, theo ông chúng ta cần đặc biệt lưu ý thị trường nào?
- Về thị trường vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hoá sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất hiện nay: EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng tôi lưu ý là không nên lơ là trong việc mở rộng thị trường Trung Quốc trước mắt cũng như lâu dài. Bởi đây là thị trường lớn thứ 2 trên thế giới và nằm sát biên giới với nước ta nên dù có vấn đề này nọ chúng ta cũng không thể phủ nhận hay bỏ qua thị trường truyền thống này. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi phương thức tiếp cận, như trong chiến thuật bóng đá, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công.
Cụ thể tấn công như thế nào, thưa ông?
- Tất nhiên là tấn công trong xuất khẩu, họ xuất khẩu qua mình thì mình cũng phải xuất khẩu qua được nước họ. Khi họ siết chặt mình thì mình cũng siết chặt lại họ vì mỗi nơi có một phân khúc thị trường khác nhau. Chẳng hạn Trung Quốc là một nước xuất khẩu mạnh về giày dép nhưng không có nghĩa là họ không nhập khẩu giày dép. Từng có thời sản phẩm giày dép nhãn hiệu Biti’s của chúng ta tràn ngập thị trường họ, nghĩa là mỗi nơi đều có kẽ hở thị trường, phân khúc thị trường khác nhau mà chúng ta phải tìm ra.
Tóm lại, trong thời đại ngày nay vấn đề không phải xuất khẩu cái gì mà là xuất khẩu bằng cách nào để tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh về sản phẩm và giá thành. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu của nước ta hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn