Từ ngày 1/3 tới, Thông tư 35/2012/TT-NHNN ngày 25/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa bắt đầu có hiệu lực.
Đây là cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại tiến hành thu phí giao dịch thẻ ATM, đặc biệt là các giao dịch nội mạng.Ngân hàng Nhà nước cho biết, để chuẩn bị triển khai cơ chế trên, đến nay, đa số các tổ chức phát hành thẻ đã xây dựng biểu phí. Các biểu phí dịch vụ thẻ đều tuân thủ đúng biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ban hành kèm theo Thông tư 35.Đáng chú ý là, đối với phí rút tiền mặt ATM nội mạng, trong khi nhiều tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí 0 đồng/giao dịch, thì có tới 12 ngân hàng thương mại lập tức thu phí (2 tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí từ 200 đồng đến 500 đồng/giao dịch và 10 tổ chức áp dụng mức phí tối đa 1.000 đồng/giao dịch).Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách 12 ngân hàng thương mại trên, song dự kiến những thành viên này cũng sẽ có thông báo cụ thể để khách hàng tham khảo.Nhiều tổ chức phát hành thẻ có chính sách hỗ trợ cho người lao động thu nhập thấp, sinh viên nghèo như giảm 50% phí rút tiền mặt ATM nội mạng, giảm phí phát hành thẻ lần đầu, miễn, giảm phí thường niên...Hiện vẫn còn một số tổ chức phát hành thẻ chưa báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ về Ngân hàng Nhà nước.Về chính sách là việc triển khai Thông tư 35, ngày 25/2, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói rằng: “Mục tiêu đặt ra của việc quy định thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa là nhằm dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ”.Theo đó, song song với việc ban hành quy định về việc thu phí, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM. Trong đó, quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM như phải trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ…; trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ như bố trí lực lượng để khắc phục sự cố, ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ phải báo cáo và thông báo rộng rãi cho khách hàng; đảm bảo thời gian ATM hết tiền không quá 4 giờ nếu trong ngày làm việc và 1 ngày nếu vào ngày nghỉ; phải duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/7...“Quan điểm chung là, thu phí để nâng cao chất lượng và nâng cao chất lượng thì sẽ được thu phí”, ông Bùi Quang Tiên nói.
Theo baomoi