Đó là những con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động do được Bộ LĐTBXH tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội.
Muốn sử dụng máy nông nghiệp an toàn phải tìm hiểu, học hỏi kỹ. |
6.000 nạn nhân mỗi năm
Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, tai nạn lao động (TNLĐ) có xu thế tăng nhanh trong suốt 18 năm qua. Cụ thể, năm 1995 mới có 840 trường hợp thì năm 2000 đã tăng lên gấp 4 lần (3.405 trường hợp), cho đến năm 2011 đã là 5.896 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do TNLĐ cũng không ngừng tăng, từ 246 trường hợp năm 1995 lên tới 600 trường hợp năm 2011. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH: “Số liệu thống kê này chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Còn rất nhiều những trường hợp tai nạn và tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, không thể thống kê số liệu ở lực lượng lao động tự do”.
Kết quả điều tra của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) chỉ ở 3 bệnh viện: Việt Đức (Hà Nội), Chợ Rẫy (TP.HCM) và T.Ư Huế (Thừa Thiên - Huế) mới đây cho thấy: Có trên 6.000 lao động bị tai nạn đến cấp cứu và điều trị hàng năm, cao hơn số báo cáo của cả nước gần 400 người. Các nhà chuyên môn thì cho rằng, con số thực tế nếu được thống kê từ tất cả các bệnh viện trong cả nước phải gấp 10 lần con số báo cáo về Bộ (!).
Cũng theo bà Chuyền, TNLĐ nghiêm trọng tập trung nhiều ở lĩnh vực xây dựng (chiếm 30% số vụ tai nạn chết người), khai thác khoáng sản (chiếm 20%). Một trong những nguyên nhân được xác định dẫn tới tình trạng TNLĐ ngày một gia tăng là do sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu. Việc nhập khẩu máy móc, công nghệ mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do kết cấu không phù hợp với vóc dáng, sức khoẻ người Việt.
Nhiều rủi ro tai nạn với nông dân
Là một trong những ngành chiếm hơn 1/2 lực lượng lao động cả nước nhưng vấn đề an toàn lao động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp dường như vẫn đang bị… bỏ ngỏ. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, có tới 52,1% lao động cả nước hoạt động trong ngành nông – lâm nghiệp nhưng chỉ có khoảng 9,3% lao động được đào tạo nghề tại các trường chuyên nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Bùi Hồng Lĩnh cho biết: “Cứ khoảng 100.000 lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc và 1.700 người bị ảnh hưởng sức khoẻ do thuốc bảo vệ thực vật. Rõ ràng, tình hình mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp đã ở mức báo động”.
Cũng theo ông Lĩnh: “Mặc dù nông dân phải hàng ngày tiếp xúc với những rủi ro tai nạn lao động và bệnh tật nhưng họ ít được tiếp cận với thông tin và được huấn luyện nhằm cải thiện an toàn và sức khoẻ. Trong khi đó, phần lớn các loại máy móc như, máy bơm, xay xát, máy cày, tuốt lúa, máy nổ… và các loại máy tự chế đều không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều thiết bị không có cơ cấu an toàn”.
Ông Nguyễn Đức Lành – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai kiến nghị: “Cần tăng cường chức năng cho lãnh đạo xã, phường, thôn, bản trong việc quản lý lao động tự do và lao động nằm trong ngành nông – lâm nghiệp. Bởi lẽ, chỉ có ban ngành tiếp cận gần nhất với lao động mới có thể đưa việc hướng dẫn an toàn lao động đến với người dân một cách hiệu quả nhất”.
Tùng Anh
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn