Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Theo đó, cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt; đồng thời xem xét cho người nuôi vay mới để khôi phục sản xuất nhằm phát triển nghề cá tra. Quyết định trên đã được các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân nuôi cá tra kỳ vọng, chờ đợi. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ngân hàng không mặn mà trong việc cung ứng vốn cho ngành cá tra.
Doanh nghiệp và người nuôi thiếu vốn
Chiều 6-8, chúng tôi tìm về cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), một trong những vùng nuôi cá tra nổi tiếng ở ĐBSCL. Nếu như trước đây ở cù lao Tân Lộc nuôi cá theo kiểu “người người nuôi cá, nhà nhà nuôi cá” thì nay mọi chuyện trái ngược, nghề cá đang rất ảm đạm bởi thua lỗ kéo dài. Ông Chương Văn Tư, hộ nuôi cá lâu năm ở cù lao Tân Lộc, trăn trở: “Cách đây hơn 20 năm, gia đình tui là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc. Thời đó nuôi dạng nhỏ lẻ, thức ăn tự chế… nhưng hiệu quả khá cao, bởi ít xảy ra dịch bệnh nên chi phí giá thành thấp. Sau này nghề nuôi cá tra liên tục tăng diện tích bởi thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng. Cá tra phát triển là đáng mừng, nhưng do tự phát nên kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, nguồn nước, thiếu vốn đầu tư… Đặc biệt, mấy năm nay giá cá tra luôn dao động ở mức thấp làm cho người nuôi lỗ thảm hại dẫn tới nợ chất chồng, từ đó ao hầm bỏ phế tràn lan”.
Theo ông Tư, hiện nay có từ 60% - 70% hộ bỏ nghề do cạn vốn đầu tư. Cũng tâm trạng trên, ông Út Anh tỏ ra luyến tiếc khi chứng kiến nghề cá tra đi vào ngõ cụt. “Khắp vùng sông nước ĐBSCL ít nơi nào có được điều kiện tự nhiên thuận lợi như cù lao Tân Lộc, bởi nơi này nằm giữa sông Hậu rất mát mẻ, nguồn nước tốt, phù hợp để phát triển cá tra. Ấy vậy mà dân Tân Lộc đã và đang chết dần vì thua lỗ cá tra. Có nhiều hộ yêu nghề nên mong muốn khôi phục lại sản xuất, nhưng không có vốn, do ngân hàng hạn chế cho vay”- ông Út Anh tâm sự.
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang thiếu vốn.
Tại Đồng Tháp, nơi dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi cá tra, song nhiều hộ cũng đang rối bời về vốn. Ông Nguyễn Văn Liêm, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết: “Dân xứ này gắn bó với con cá tra từ mấy chục năm nay nên bỏ nghề thì tiếc, còn nuôi tiếp lại không có vốn đầu tư. Hồi tháng 4-2014, nghe nói có chính sách khoanh nợ và tái đầu tư cho cá tra khiến nông dân mở cờ trong bụng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng chẳng thấy ngân hàng nói năng gì. Thậm chí những hộ nợ quá hạn buộc phải bán nhà, bán đất để trả cho ngân hàng. Tình hình này khiến người nuôi cá hết sức khó khăn”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng thấm mệt vì sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu ở An Giang tiết lộ: “Cứ nhìn vào giá cá tra nguyên liệu chỉ có 22.000 đồng/kg như hiện nay (tháng trước là 21.000- 21.500 đồng/kg) cũng đủ thấy việc xuất khẩu khó khăn cỡ nào. Hiện tại hàng loạt doanh nghiệp thiếu năng lực về vốn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh bán giá thấp nhằm nhanh chóng quay vòng nguồn tiền để duy trì hoạt động nhà máy. Lợi dụng vấn đề thiếu vốn nên đối tác nước ngoài ép giá cá tra xuống thấp, gây thiệt trăm bề”.
Liên kết để gỡ khó
Có một nghịch lý là hiện nay nhiều ngân hàng tuyên bố thừa tiền và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, bởi đây là thế mạnh của ĐBSCL. Thế nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn rất khó. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, nhìn nhận: “Dù Chính phủ đã có Quyết định 540 gỡ khó về vốn cho cá tra, nhưng phía ngân hàng lại có cái lý của họ. Nghề cá tra mấy năm gần đây có nhiều biến động, trong đó có không ít doanh nghiệp vỡ nợ đã tạo ra tâm lý “dè dặt” từ các ngân hàng là chuyện hiển nhiên. Vì vậy, để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì doanh nghiệp phải chứng minh được sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp, có uy tín… Ngược lại, việc vay vốn sẽ vô cùng khó khăn”.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn nhưng phía ngân hàng đang tỏ ra “cẩn trọng” khi đầu tư vào cá tra, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do thiếu vốn nên doanh nghiệp không thể quyết định được giá xuất khẩu cá tra, mà phần lớn phụ thuộc vào đối tác quốc tế, từ đó khiến chúng ta luôn thua thiệt.
Đối với người nuôi cũng đang đau lòng nhìn ao hầm hoang phế một cách lãng phí, trong khi sản phẩm cá tra thế mạnh của vùng thì cứ mãi bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Liêm, ở phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, khẳng định: “Hiện nuôi 1ha cá tra cần vốn khoảng 11 tỷ đồng/vụ, trong đó chi phí thức ăn chiếm hơn 70%; với số tiền khổng lồ trên khiến nông dân không tài nào lo nổi, còn trông vào ngân hàng sẽ không mấy lạc quan. Giải pháp hiện nay là nông dân liên kết với cơ sở sản xuất thức ăn và doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Có như vậy thì mới giải quyết được bài toán thiếu vốn”. Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty thức ăn Cỏ May, ủng hộ mô hình này, bởi đây được xem là hướng đi phù hợp nhất trong thời buổi mà nhiều ngân hàng tháo chạy khỏi ngành cá tra.
Theo ông Bên, nhà máy sản xuất thức ăn sẽ cung ứng thức ăn cả vụ cho người nuôi thông qua sự bảo lãnh của doanh nghiệp xuất khẩu. Đến kỳ thu hoạch cá tra thì doanh nghiệp lấy cá của nông dân và trả tiền đầu tư thức ăn cho nhà máy, phần tiền dư ra sẽ trả cho nông dân. Cách làm này, nông dân nhẹ lo về vốn, còn nhà máy sẽ bán được thức ăn, trong khi doanh nghiệp chế biến đảm bảo được nguồn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Đây là cách làm mà cả 3 đều được lợi. Một khi mô hình này đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả thì các ngân hàng sẽ không ngại tham gia.
Theo ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, hiện tại ngân hàng vẫn giải ngân khoảng 1.675 tỷ đồng cho nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, đối tượng vay vốn phải được chọn lọc kỹ lưỡng. Cụ thể, những hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch, nuôi nhỏ lẻ… sẽ không được đầu tư, mà tập trung cho người nuôi quy mô lớn có liên kết với doanh nghiệp, nhằm thuận lợi trong quản lý và phát triển nghề cá.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cảnh báo, nuôi cá tra đòi hỏi vốn lớn, tính rủi ro cao; do đó nếu không liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thì không nên nuôi cá…
Cái khó của nhiều ngân hàng hiện nay là “ôm” một số nhà máy thế chấp của doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu làm ăn không hiệu quả, đồng thời “ôm” thêm nhiều ao hầm của nông dân nuôi cá tra thua lỗ để trừ nợ ngân hàng. Kêu bán nhà máy cá tra thời điểm này chẳng ai mua, đất nuôi cá tra cũng không ai ngó tới. |
Theo SGGP