Theo quy định của Luật Thú y, trong vùng công bố dịch bệnh thì các hoạt động giết mổ, vận chuyển đều phải bị đình chỉ. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 cho phép thực hiện giết mổ, vận chuyển trong nội bộ vùng dịch với các điều kiện kèm theo. Và, người chăn nuôi Hà Tĩnh đang cố gắng "xoay xở" với quy định mới này để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
Với sự bùng phát của DTLCP, việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn được siết chặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, việc này khiến cho hoạt động tiêu thụ thịt lợn sạch, an toàn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Sửu (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) – một chủ trang trại lợn quy mô 350 nái và 6.000 lợn thịt/năm chia sẻ. "Mới đây, ngày 11/6, chúng tôi vận chuyển lợn đi tiêu thụ (số lượng 12 con), đến địa bàn huyện Can Lộc thì bị chốt chặn giữ lại. Buộc phải quay về làm đầy đủ các thủ tục, giấy tờ cần thiết để được vận chuyển, trong đó có các giấy tờ về tiêm phòng các dịch bệnh theo yêu cầu và kết luận âm tính với DTLCP của Chi cục Thú y vùng III (Nghệ An), chứng nhận kiểm dịch của ngành thú y Lộc Hà.
Ngày 12/6, khi số lợn này tiếp tục di chuyển thì vẫn bị chốt chặn của huyện Can Lộc không cho lưu thông. Phải mất một thời gian giải trình khá lâu, trạm kiểm soát mới cho phép vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Việc kiểm tra của ngành chức năng trong điều kiện hiện tại là rất quan trọng, tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện cho người chăn nuôi".
Ông Phan Văn Hải (thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) tâm sự: Trang trại tôi có 40 con lợn, trong đó 20 con loại 65 - 80kg đang đến kỳ phải xuất chuồng. Thế nhưng, hiện tại tôi vẫn chưa thể tiêu thụ do cần có các giấy tờ, thủ tục theo quy định. Với yêu cầu của cơ quan chức năng, để có kết quả xét nghiệm DTLCP, chúng tôi sẽ mất một khoản chi phí rất lớn. Cụ thể, chi phí xét nghiệm khoảng 500 nghìn và chi phí lấy mẫu, vận chuyển mẫu, lấy kết quả phải hơn 500 nghìn nữa. Quy định vận chuyển dưới 100 con phải có 5 mẫu xét nghiệm, tính ra, để tiêu thụ 20 con lợn này, tôi phải tốn rất nhiều tiền làm thủ tục.
Ông Trần Hùng – Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, mới đây, Bộ NN&PTNT đã "cởi trói" quy định cấm các hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch bằng văn bản số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019. Theo đó, quy định này cho phép vận chuyển, giết mổ lợn khỏe trong nội bộ vùng dịch với điều kiện cơ sở chăn nuôi lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF và có sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan thú y; đối với lợn vận chuyển từ vùng khác cần có thêm chứng nhận kiểm dịch của địa phương. Lợn được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan. Trên cơ sở đó, Hà Tĩnh đã có văn bản hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi và cán bộ thú y các cấp.
Như vậy, theo quy định mới, dù trong vùng dịch, lợn vẫn được vận chuyển và giết mổ nếu đảm bảo yêu cầu. Do đó, người chăn nuôi cần nắm rõ quy định để tiêu thụ lợn, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc lập các chốt kiểm dịch là rất cần thiết, song, các địa phương cần bố trí cán bộ có chuyên môn tại các chốt để vừa đảm bảo kiểm dịch vừa tạo điều kiện cho người chăn nuôi vận chuyển, tiêu thụ lợn; đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người chăn nuôi trong điều kiện khó khăn hiện nay. Được biết, hiện tại, huyện Cẩm Xuyên đang có chính sách hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm DTLCP.
Theo Anh Tấn - Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn