Bộ phim Nếp nhà được VTV trình chiếu chưa lâu đã tạo ấn tượng tốt trong việc giữ gìn gia phong |
Ông Phan Văn Thịnh (Đức Thọ) nhấn mạnh: hàng nghìn năm nay, gia phong luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ. “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong”. Gia phong là kỷ cương, nền nếp, quy tắc ứng xử trong gia đình được bồi đắp, hun đúc qua nhiều đời, thể hiện qua gia phả, gia lễ, gia giáo, gia huấn… nhằm giáo dục con cháu về lễ nghĩa, đạo lý làm người.
Cũng theo ông Thịnh, trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình là một cơ chế văn hoá nền tảng. Không có gia đình thì không có làng và nước. Các gia đình thường có nhiều thế hệ chung sống với nhau trong sự hoà thuận, yêu thương. Ngoài việc duy trì nòi giống, con người đảm nhiệm chức năng duy trì và ổn định xã hội bằng nhiều cơ chế văn hoá lưu giữ các giá trị của các thế hệ trước: thờ cúng những người có công giáo dưỡng, sinh thành; giáo dục thế hệ trẻ. Gia đình còn là nơi truyền kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sống và góp thêm các giá trị văn hoá mới cho xã hội…
Để mỗi gia đình có thể thực hiện tốt những chức năng đó, giai cấp phong kiến đã thiết chế các chuẩn mực xã hội rất chặt chẽ, bắt đầu từ mỗi gia đình; từ việc ăn, ở, sinh hoạt đến giao tiếp ứng xử hàng ngày. Về cơ bản, gia phong đã tạo ra nền nếp và lối sống văn hoá của mỗi gia đình: biết kính trên nhường dưới, chung thuỷ, gắn bó, yêu thương. Đó là nền tảng của một gia đình hạnh phúc, cũng là cái gốc để con người vững bước vào đời. Vì ở mỗi gia đình, sự giáo dục con cái thông qua nếp nhà, đạo nhà bao giờ cũng gắn liền với việc lưu truyền cho con cái những giá trị văn hoá truyền thống, những kỹ năng nghề nghiệp và chuẩn mực về đạo đức, lối sống.
Ông Đặng Duy Bình (Nghi Xuân) khẳng định: ngày nay, gia phong vẫn rất được coi trọng và được xem như di sản tinh thần quý giá của người Việt.Trong xã hội hiện đại, chúng ta vẫn thường có câu khen “con nhà gia giáo” với ý nghĩa là con cái có sự giáo dục tốt của gia đình. Tuy nhiên, vài chục nămnay, trong cơ chế thị trường, gia phong ở không ít gia đình bị mai một, tệ nạn xã hội thâm nhập vào, hạnh phúc tan vỡ. Chính vì vậy gần đây, Uỷ ban MTTQ Việt Nam khi mở hội nghị tư vấn về lĩnh vực văn hoá đã đặt vấn đề gia phong ra như một vấn đề cấp bách của xã hội. Bởi trong thời kỳ hội nhập và phát triển, gia phong đang phải đối mặt với những thử thách: tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình làm suy thoái về đạo đức, lối sống. Do đó hơn lúc nào hết, gia đình phải phát huy vai trò là tổ ấm của các thành viên, là điểm tựa bảo vệ cho mỗi người trong cuộc đời.
Phong trào xây dựng gia đình văn hoá hiện nay với các tiêu chí “no ấm - bình đẳng - hạnh phúc - tiến bộ” rất cần phát huy ý nghĩa tốt đẹp của gia phong. Vì gia đình văn hoá trước hết là gia đình từ người già đến trẻ em phải sống có nhân đức, trọng đạo lý, lễ nghĩa, biết tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng học tập, lao động, cống hiến, biết noi theo nếp sống, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Việc phát huy gia phong trong xây dựng gia đình văn hoá hiện nay là một vấn đề rất cần được coi trọng.
Trung Thực
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn