Ảnh minh họa
Con số mà các nhà xuất khẩu của Úc hân hoan đến ngay khi chúng ta đang điêu đứng vì gà nhập, đặc biệt là gà nhập từ Mỹ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng gà nhập vào Việt Nam lên tới gần 70.000 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Đặc biệt với giá nhập “rẻ như rau”, chỉ 0,91 USD/kg, thậm chí có loại thịt gà có giá chỉ khoảng 13.000 đồng/kg như thông tin từ Tổng cục Hải quan, gà trong nước không thể cạnh tranh nổi, phải bán dưới giá thành. Những người nuôi gà trong nước rơi vào nợ nần, điêu đứng. Mà đâu chỉ thịt, với rau, củ, quả, trái cây cũng tương tự. Hàng ngoại đè hàng nội ở mọi phân khúc. Cao cấp thì từ Mỹ, Úc, New Zealand... phân khúc thấp thì hàng Trung Quốc chèn lấn hàng Việt.
Nhưng hàng ngoại không phải “đùng một cái” có thể nhan nhản ở thị trường nội địa. Cũng chẳng cần lén lút đi đường ngang ngõ tắt nào mà cứ thênh thang đường lớn bước. Chắc mỗi chúng ta còn nhớ, việc thịt bò Úc “đè” bò nội đã được nói đến nhiều trong mấy năm nay. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gia súc và thịt của Úc cũng từng cho biết, kể từ năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu gia súc sống từ nước này sang Việt Nam đã tăng gần... 90 lần. Chỉ trong ba năm 2011-2013, số gia súc nhập vào Việt Nam từ Úc đã tăng từ 1.500 con lên 131.000 con.
Chúng ta không ít lần biện hộ rằng Việt Nam không có lợi thế về đồng cỏ nên nhập thịt bò là tất yếu. Nhưng cái không lợi thế đó lại được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai biến thành lợi thế của mình. Họ coi bò là chiến lược lớn và thực tế hoạt động kinh doanh bò đã mang về doanh thu tới 766 tỉ đồng, đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận trong quý2/2015 của tập đoàn này. Còn gà nhập, trong cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp về đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với đùi gà nhập khẩu từ Mỹ tại tỉnh Đồng Nai của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cuối tuần trước, đại diện của Cục này cho biết, việc nhập gà đã xảy ra từ năm 2011 nhưng đến nay mới thấy các hiệp hội lên tiếng. Chúng ta đã để gà nhập ép giá đến 4 năm mới phản ứng.
Trong khi bàng quan với hàng nhập ồ ạt tấn công thị trường nội thì chúng ta quay cuồng với chất cấm trong chăn nuôi heo; thuốc siêu nạc; thuốc giúp rau, củ lớn siêu tốc; chín khẩn cấp; thuốc bảo quản thực phẩm... Đến mức các bà nội trợ hoang mang không dám ăn thịt heo ngoài chợ và họ tìm đến với hàng nhập ngày càng nhiều hơn.
Vẫn biết hội nhập là “thế giới phẳng”, chúng ta có quyền mang hàng hóa của mình sang bán ở các nước khác và ngược lại phải mở cửa thị trường cho hàng nhập. Nhưng là một nước nông nghiệp, trong khi nông sản, thực phẩm của bà con nông dân ế ẩm đến mức thua lỗ, nợ nần còn chúng ta lại đang trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng cho thịt bò, thịt gà, trái cây, rau củ của các nước khác là một thực tế phũ phàng.
Nguyên Khanh (Báo Thanh Niên)