Chương trình tín dụng HSSV đã đem đến nhiều cơ hội cho những gia đình khó khăn có con em theo học ĐH - CĐ |
Chuyện từ những gia đình nghèo hiếu học
“Tôi là Phạm Thị Thư, hộ nghèo ở xóm 5 xã Hương Minh (Vũ Quang). Tôi lập gia đình từ năm 22 tuổi và sinh được 5 người con. Gia đình sản xuất nông nghiệp thuần túy nên cuộc sống chỉ mới đủ ăn. Không may, đến năm 2003 thì chồng tôi bị bệnh đột ngột qua đời. Sau khi mất đi lao động chính trong nhà, cuộc sống của mẹ con tôi gặp rất nhiều khó khăn, đứa con trai lớn học gần xong lớp 9 thì phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Năm 2006 đứa con thứ 2 thi đậu vào trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, tôi không biết xoay xở ra sao. Trong lúc bế tắc thì có chủ trương cho học sinh vay vốn để trang trải chi phí học tập nên con tôi đã có điều kiện đến trường. Từ đó đến nay, với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng cho HSSV, 4 người con của tôi lần lượt vào đại học. Đến nay 1 cháu đã có việc làm được 1 năm và đã trả được hơn 5,5 triệu đồng nợ đầu tiên”.
“Gia đình tôi (Nguyễn Thị Hằng - tổ dân phố Tân Miếu - phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) thuộc diện hộ cận nghèo. Mặc dù kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng mong muốn của chúng tôi cũng như nguyện vọng của các con tôi là theo đuổi việc học để có kiến thức, có nghề nghiệp và thay đổi được cuộc sống sau này. Mong muốn là vậy, nhưng để đầu tư cho 4 đứa con là một gánh nặng quá sức đối với chúng tôi. Rất may mắn cho các cháu là Nhà nước có chủ trương cho học sinh, sinh viên vay vốn để học tập. Nếu không có chính sách này thì gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong phường không thể đủ khả năng cho các con đến các trường đại học, cao đẳng được. Đến nay 2 con lớn của tôi đã ra trường, các cháu đang dần ổn định công việc và sẽ thu xếp để trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn”.
“Xã Thạch Châu chúng tôi đất cát bạc màu, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hàng năm nhiều gia đình có con thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề nhưng không có đủ điều kiện cung cấp kinh phí cho con đi học. Gia đình tôi (chị Trần Thị Thanh, hộ cận nghèo ở thôn Lâm Châu - xã Thạch Châu- Lộc Hà) cũng chung thực trạng đó. Sau khi Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-Tg về tín dụng đối với HSSV, được sự hướng dẫn của Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Lâm Châu và Hội phụ nữ xã Thạch Châu, gia đình tôi đã được NHCSXH huyện Lộc Hà cho vay số tiền 60,6 triệu đồng từ chương trình cho vay HSSV. Từ đó gia đình đã có điều kiện chi phí cho 3 cháu theo học ở các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay đã có 2 cháu ra trường, có công việc làm ổn định nên cũng hỗ trợ được một phần kinh tế cho gia đình và tích lũy trả được 2/3 số tiền nợ Ngân hàng”.
Trên đây là những câu chuyện đầy cảm xúc mà các gia đình khó khăn, có con em theo học đại học, cao đẳng bộc bạch với chúng tôi khi được nhắc đến nguồn vốn vay HSSV tiếp sức vượt qua khó khăn.
Để nối nhịp cầu vui
QĐ 157 ra đời, mở rộng cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ nặng nề hơn được đặt lên vai hệ thống Ngân hàng CSXH. Chỉ 5 năm thực hiện QĐ 157, dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã tăng thêm 1.326 tỷ đồng, đạt 1.326 tỷ đồng đến ngày 30-9-2002.
Từ chỗ dư nợ không đáng kể, đến nay, chương trình cho vay HSSV đã chiếm tới 45,5% tổng dư nợ của tất cả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp 32.552 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được học đại học, 27. 655 sinh viên học cao đẳng, 21.270 em học trung cấp và 1.417 em được học nghề.
Kết quả đó gắn với quá trình nỗ lực của Ngân hàng CSXH tỉnh trong việc tranh thủ sự hỗ trợ tối đa của Ngân hàng CSXH Việt Nam; sự chỉ đạo sâu sát của Ban đại diện HĐQT và chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội làm uỷ thác và các ngành liên quan.
Niềm vui của bà Võ Thị Diễn ở xóm 10, xã Kỳ Phong - Kỳ Anh khi 3 người con được vào đại học nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn chính sách |
Bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện QĐ 157 đó là một chương trình tín dụng ưu đãi rộng lớn, có ý nghĩa nhân văn cao rất cần sự tham gia tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, vai trò của các tổ chức chính trị nhận ủy thác, UBND cấp xã và hệ thống tổ TK &VV trong việc bình xét đối tượng vay, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và đôn đốc thu hồi nợ được coi là yếu tố then chốt đưa đồng vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và thu hồi nợ đúng hạn.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò chỉ đạo, giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp bằng việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện các sai sót và yêu cầu chỉnh sửa đồng thời nắm bắt, đề xuất các cấp, ngành chỉnh sửa, bổ sung cơ chế cho vay một cách phù hợp.
Bài học cần lưu ý nữa là trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng HSSV, công tác tuyên truyền phải thường xuyên được chú trọng nhằm công khai cơ chế để mọi người dân hiểu, thực hiện và tự kiểm tra, giám sát, đảm bảo công bằng và phát huy tính tự giác trả nợ khi đến hạn.
Mặc dù gánh nặng cho ngân sách dành cho chương trình tín dụng HSSV khá lớn nhưng QĐ 157 được xác định sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo 100% HSSV thuộc đối tượng, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tin dụng ưu đãi. Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh phấn đấu 5 năm tới, doanh số cho vay hàng năm của chương trình này đạt 340 tỷ đồng, doanh số thu nợ 180 tỷ đồng; đến năm 2017, dư nợ kế hoạch đạt 2.200 tỷ đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn