Khó khăn chồng chất khó khăn
Chưa có năm nào, người chăn nuôi gia cầm lại gặp nhiều khó khăn và khó khăn kéo dài như năm nay. Dịch bệnh vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là dịch cúm, khiến người chăn nuôi không yên tâm sản xuất, do bị dịch bệnh đe dọa, không dám mở rộng quy mô. Tâm lý chung là dè dặt, nghe ngóng, nuôi cầm chừng, mang tính phong trào, khi giá sản phẩm tăng đổ xô vào nuôi, khi giá sản phẩm giảm lại giảm quy mô dẫn đến thị trường bấp bênh lúc lên, lúc xuống, người chăn nuôi thua lỗ và thiệt hại lớn.
Thức ăn giá đã cao lại luôn tăng, so với các nước trong khu vực cao hơn từ 15 đến 20%, làm cho giá thành sản phẩm sản xuất ra cao, do đó không xuất khẩu được, vì vậy thị trường chỉ có trong nước, trong khi đó sức tiêu thụ giảm, cho nên cung luôn cao hơn cầu, giá sản phẩm buộc phải giảm theo, đặc biệt con giống, có lúc ứ thừa phải hủy. Mặc dù sản xuất trong nước dư thừa nhưng vẫn nhập sản phẩm chăn nuôi chính ngạch, nhất là sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả con giống chưa kiểm soát được, những sản phẩm nhập lậu qua biên giới gồm: gà mái đẻ trứng đã hết khả năng sản xuất, thải loại sau 18 tháng nuôi. Gà già nên thịt dai, chất lượng giảm, mang nhiều chất tồn dư của thuốc thú y, nấm mốc, chất kích thích đẻ trứng, chất kích thích hủy buồng trứng và biết đâu chính những con gà này đang mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, kể cả cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta gây dịch cho đàn gia cầm và cho người tiêu dùng. Hơn nữa gà thải loại này thường được làm thức ăn chăn nuôi nên thương lái mua với giá rất rẻ từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg, mang về Việt Nam bán cho người tiêu dùng và quảng cáo là giống gà mía (giống gà đặc sản của Việt Nam) với giá 65 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng/kg, thương lái đã ăn lãi tới hai lần.
Không chỉ gà thải loại, kể cả gà giống các loại, phụ phẩm nội tạng và đùi, chân, cổ cánh cũng nhập lậu tràn lan, nhiều lô hàng không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm hằng ngày, hằng giờ vẫn luồn lách tràn vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, rối loạn thị trường. Sản phẩm chăn nuôi trong nước đã ứ đọng lại càng ứ đọng, đã thừa lại càng dư thừa, giá sản phẩm đã giảm lại càng giảm, người chăn nuôi đã khốn khó lại càng khốn khó. Trong khi đó công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn nhập lậu các sản phẩm chăn nuôi qua biên giới chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Mặc dù ngày 31-7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1180/CÐ-TTg về kiểm soát gà nhập lậu qua biên giới, nhưng đáng tiếc công điện của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thời gian đầu khá nghiêm túc, rồi vì lợi nhuận, cộng với việc quản lý biên giới lỏng lẻo, sản phẩm nhập lậu qua biên giới vẫn ồ ạt tràn vào nước ta.
Giết mổ chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, việc phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế và tồn tại nhiều vấn đề, nên chưa phát triển được, đặc biệt việc kiểm soát vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở giết mổ mới chiếm trên dưới 10%. Ðây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhận thức của người chăn nuôi về mọi mặt còn hạn chế, nhất là trình độ quản lý và khoa học, kỹ thuật; quy mô nhỏ lẻ phân tán là chủ yếu, chăn nuôi tự phát, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật hạn chế, hiệu quả chăn nuôi thấp, chưa liên kết giữa sản xuất, giết mổ, chế biến, chưa thành một chuỗi nên bị thương lái ép giá cả người bán và người tiêu dùng, phần lãi thuộc về thương lái.
Gỡ khó cho chăn nuôi
Ðể tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt UBND các cấp của các tỉnh biên giới và giáp biên giới cần thực hiện nghiêm túc Công điện 1180 ngày 31-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu qua biên giới các sản phẩm chưa kiểm soát, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của T.Ư, có chế tài cụ thể và thưởng phạt nghiêm minh.
Cần đầu tư các cơ sở nuôi giữ, bảo tồn, chọn lọc, nhân các giống gia cầm quý ở trong nước như: Gà ri, gà mía, gà hồ, gà đông tảo, gà hơ mông, gà chọi..., vịt cỏ, vịt bầu... các giống ngan, chim câu, chim cút... để làm nguyên liệu lai giữa các giống gia cầm trong nước và lai giữa các giống gia cầm trong nước với gia cầm nhập khẩu, tạo con lai thương phẩm có năng suất chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng xuất khẩu; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở chọn lọc nuôi giữ các giống thuần. Khuyến khích phát triển cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu, hạ giá thành thức ăn gia súc.
Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc trên cơ sở Quyết định số 314/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13-3-2006, giao đất vĩnh viễn hoặc có thời hạn lâu dài để chủ đầu tư yên tâm đầu tư phát triển cơ sở giết mổ tập trung và công nghiệp. Quy hoạch xây dựng chợ đầu mối để tập trung kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển trước khi cung ứng cho các cơ sở giết mổ theo vùng và theo chuỗi cung ứng gia cầm.
Khả năng sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước là rất lớn không những cung cấp dư thừa cho nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu là nông dân, trình độ quản lý khoa học bị hạn chế, tiềm năng kinh tế yếu kém nên không thể cạnh tranh với các tập đoàn và những cơ sở sản xuất mạnh của nước ngoài. Nếu đưa các tập đoàn, cơ sở của nước ngoài vào Việt Nam sản xuất, kinh doanh thì những người nông dân Việt Nam sẽ thua ngay tại sân nhà, sẽ mất chỗ đứng, mất việc làm; cho nên cần có chính sách và biện pháp bảo hộ người sản xuất, kinh doanh chăn nuôi trong nước. Vì vậy, không khuyến khích các tập đoàn, các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam tổ chức sản xuất, kinh doanh chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng; hạn chế tối đa nhập khẩu chính ngạch sản phẩm chăn nuôi, không khuyến khích nhập khẩu trứng giống và gia cầm một ngày tuổi thương phẩm.
Khẳng định vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam trong đào tạo, xét cấp chứng chỉ hành nghề chăn nuôi gia cầm, cũng như tham gia các dự án liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh nói chung, phòng, chống cúm gia cầm nói riêng và các dự án liên quan đến gia cầm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững ở Việt Nam.
TS TRẦN CÔNG XUÂN
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn