Tình hình xấu dần
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chương trình về môi trường trong nông nghiệp, nông thôn. Kết quả bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực nông nghiệp cũng có những chuyển biến nhất định. Như với thủy sản, Bộ đã từng bước hình thành mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và môi trường biển, để đánh giá tác động của nuôi thủy sản đến môi trường xung quanh và định hướng phát triển nhằm đảm bảo môi trường luôn bền vững. Các đối tượng thuộc dự án quan trắc môi trường là tôm nước lợ, tôm hùm, ngao.
Tuy nhiên, môi trường trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn có nhiều hạn chế về rác thải, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất và nước, ô nhiễm tại các làng nghề, đội ngũ làm công tác môi trường còn thiếu và yếu.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố môi trường và dịch bệnh thủy sản với tần suất xuất hiện ngày một tăng. Trong năm 2011 - 2012, tại Cát Bà - Hải Phòng đã xảy ra 5 đợt thủy triều đỏ, gây thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ đồng. Hay tại vùng nuôi tại Vịnh Nghi Sơn, Thanh Hóa năm nào cũng có tình trạng cá chết, tháng 7/2011, UBND xã Nghi Sơn đã thống kê có tới 83 tấn cá bị chết, thiệt hại 3,2 tỷ đồng. Mới đây tại Long Sơn, Vũng Tàu, nước sông Chà Và ô nhiễm đã làm cá nuôi lồng bè của người dân chết hàng loạt, gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng.
Ngao là một trong những đối tượng thuộc dự án quan trắc môi trường - Ảnh: Trần Huân
Đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của người sản xuất chưa cao, chỉ chú trọng tới hiệu quả sản xuất chứ chưa quan tâm nhiều đến những tác động vào môi trường; Nhiều cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, thực hiện kém hiệu quả; Cùng đó là việc đầu tư cho việc đảm bảo môi trường bền vững chưa đúng mức…
Tại các vùng nuôi thủy sản hiện nay, đa số không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, kiểm soát môi trường ao nuôi, xử lý nước thải còn nhiều bất cập dẫn đến lượng chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi còn rất lớn; hầu hết lượng chất thải chưa được xử lý triệt để. Trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản sử dụng nhiều nguyên liệu thủy sản, nước, nhiên liệu, năng lượng, hóa chất tẩy rửa, khử trùng… dẫn đến lượng chất thải rắn, nước thải, khí thải sinh ra nhiều nhất là nước thải hữu cơ.
Nhanh chóng khắc phục
Theo đại diện Sở NN&PTNT Ninh Thuận, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Đầu tư xây dựng các bãi thu gom rác thải, phương tiện vận chuyển rác thải và hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường; đổi mới công nghệ xử lý rác thải theo hướng tinh gọn, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá.
Còn Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Quảng Nam cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có hành lang pháp lý kiểm soát khai thác theo hình thức hủy diệt môi trường, song kết quả không như mong đợi. Cho nên, về lâu dài phải ổn định đời sống cho ngư dân ven biển, trong đó ưu tiên sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, kiểm soát chặt chẽ số lượng phương tiện làm nghề giã cào, pha xúc bằng cách không cho đóng mới, sang tên, sửa chữa, cải hoán tàu. Cùng đó, vận động ngư dân chuyển sang ngành nghề khác như câu, lưới vây, lưới rê…
Ông Hoàng Đức Trọng, Phòng Quản lý môi trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, các Sở NN&PTNT cần tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi.
>> Tại các địa phương, nhiều câu lạc bộ, hội nghề nghiệp được thành lập nhằm nâng cao trách nhiệm và tính cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nguồn nước vùng nuôi. Hiện, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy trình VietGAP đã và đang được nhân rộng… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn