Bảo vệ quyền lợi của nông dân
Từ năm 2015 đến nay, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã đăng ký đảm nhận 11 vụ việc liên quan đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kéo dài, sau khi giải quyết dứt điểm 11/11 vụ việc đều được sự đồng thuận của nhân dân.
Đáng chú ý, có những vụ việc khi công dân khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao thanh tra, tham mưu đã báo cáo và đề xuất bác nội dung khiếu nại của công dân. Nhưng khi Hội ND tỉnh vào cuộc nhận thấy khiếu nại của công dân là có cơ sở, đã đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đồng ý với nội dung khiếu nại của công dân là đúng. Sau đó người dân được bồi thường bổ sung hơn 11 tỷ đồng.
Tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân trồng rau an toàn được các cấp Hội ND tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai. Ảnh: Thu Hà
Thời gian tới, Hội ND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, quy định của pháp luật. |
Hay như vụ việc khiếu nại của 7 hộ dân liên quan đến giải phóng mặt bằng mở rộng Tỉnh lộ 326, khi Hội ND tỉnh phản biện thì chính quyền không chỉ xem xét chính sách với 6 hộ có đơn khiếu nại mà còn phải rà soát lại chính sách với 24/24 hộ dân bị ảnh hưởng của toàn dự án. Có vụ việc khiếu nại khi chính quyền tổ chức đối thoại nhưng không tìm được tiếng nói chung, công dân đã bỏ về mà không ký biên bản đối thoại. Sau đó, Hội ND tỉnh nghiên cứu hồ sơ, tuyên truyền, vận động, đề xuất hướng giải quyết giúp cho chính quyền và công dân tìm được tiếng nói chung, sau khi chính quyền giải quyết nguyện vọng cho công dân thì họ đã rút đơn khiếu nại.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh Đào Thanh Lưỡng cho biết: “Nếu không tiếp cận sâu, không hiểu bản chất vụ việc, không có kiến thức về pháp luật thì dễ dẫn đến việc vận động, tuyên truyền xuôi chiều, hạn chế hiệu quả giám sát, phản biện. Những vụ việc đã được giải quyết đúng, Hội kiên trì giải thích để người dân đồng thuận. Nhưng nếu chính quyền làm chưa đúng thì Hội thẳng thắn góp ý bằng văn bản và tham gia giám sát đến cùng việc giải quyết của chính quyền”.
Chọn việc để giám sát
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh: Để việc triển khai thực hiện Quyết định số 217 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” hiệu quả, hằng năm, Hội ND tỉnh đều xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung cụ thể để báo cáo, đề xuất việc giám sát và phản biện xã hội, tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng quy định sau khi đã được Tỉnh ủy phê duyệt.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2014 - 2018, khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã chủ trì giám sát 24 chuyên đề; giám sát và phản biện để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân với hơn 50 vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người.
Riêng Hội ND tỉnh đã chủ trì xây dựng kế hoạch giám sát 5 chuyên đề. Cụ thể, từ năm 2014 - 2016 “việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi”; năm 2017 chuyên đề “giống vật nuôi, cây trồng ở các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh”, năm 2018 chuyên đề “công tác bảo vệ môi trường tự nhiên gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị” và chuyên đề “công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh”.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh phấn khởi cho biết: Đến nay, kết quả tiêu biểu đạt được ở lĩnh vực quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; về giống vật nuôi, cây trồng ở các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
“Trước khi giám sát trên thị trường có trên 600 loại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi khác nhau, nhiều sản phẩm chỉ có chữ Trung Quốc, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt. Đến nay trên cơ sở khuyến nghị của Hội ND tỉnh, Sở NNPTNT đã khuyến cáo và tăng cường quản lý Nhà nước, trên thị trường của tỉnh chỉ còn hơn 60 loại sản phẩm uy tín, phổ biến nhất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng.
Tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân sử dụng 3 cùng “Cùng giống, cùng thời điểm, cùng quy trình kỹ thuật” trong sản xuất, chăn nuôi ở các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo quy hoạch; tỷ lệ thực hiện 3 cùng đã tăng từ 50 - 60% lên trên 75% diện tích, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn