Động thái buông trần lãi suất huy động dài hạn vừa qua của NHNN là bước đi được đánh giá là khá kịp thời. Ảnh: Bình An
6 tháng đầu năm 2012, thị trường vốn đã được cải thiện đáng kể, lãi suất tiếp tục giảm trên tất cả các thị trường. Đáng chú ý, việc bỏ trần lãi suất kỳ hạn dài của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá như một bước “thử” thị trường đầy khôn ngoan…
Lãi suất tiếp tục giảm
Số liệu từ NHNN cho biết, trên thị trường huy động vốn, lãi suất phát hành TPCP từng bước được điều hành theo xu hướng giảm và tiếp tục mang định hướng dẫn dắt để giảm mặt bằng lãi suất chung của cả thị trường. Tính đến ngày 21.6, lãi suất phát hành TPCP đã giảm khoảng 2,6 - 3% so với thời điểm đầu năm 2012, ở mức 8,5% đối với tín phiếu 364 ngày, 8,89% đối với kỳ hạn 2 năm, 9,00% đối với kỳ hạn 3 năm và 9,45% đối với kỳ hạn 5 năm.
Trên thị trường huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư, kể từ đầu năm, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, theo đó lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 2%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống còn 9%/năm; lãi suất cho vay trên thị trường liên NH giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm gần đây ở hầu hết các kỳ hạn, dao động quanh mức 1,3-2% đối với kỳ hạn qua đêm, 1,3-2% với kỳ hạn 1 tuần, 2-3% kỳ hạn 2 tuần và 3,5-4% cho kỳ hạn 1 tháng.
Trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày lần lượt là 3,8%/năm, 5,7%/năm và 7,45%/năm, đây là mức giảm đáng kể so với thời điểm 15/3 khi lãi suất tín phiếu các kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày lần lượt là 11,5%, 12% và 12,5%/năm. Với mức lãi suất tín phiếu điều hành theo xu hướng giảm hiện nay sẽ giảm bớt áp lực trong việc phát hành TPCP tạo điều kiện giảm lãi suất TPCP, qua đó góp phần định hướng giảm lãi suất chung trên thị trường.
Bước "thử" khôn ngoan
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, động thái buông trần lãi suất huy động dài hạn vừa qua của NHNN là bước đi hết sức cần thiết và được đánh giá là khá kịp thời. “Quan điểm khó khăn chủ yếu về thanh khoản của NH phải để cho thị trường xử lý, tôi cho là một quan điểm đúng, không nên lo sẽ có một cuộc chạy đua lãi suất. Tại sao tôi nói như vậy? Thứ nhất, trong năm 2012, NHNN đã phân loại các NH để đặt hạn mức tín dụng nên những NH khó khăn thanh khoản - thường sẵn sàng chạy đua lãi suất - đã bị khống chế. Thứ hai, với những NH khó khăn về thanh khoản có thể họ sẽ tăng lãi suất huy động lên, lúc đó nhu cầu của thị trường sẽ quyết định có đáp ứng cho thanh khoản này được hay không. Điều này không quá đáng ngại, bởi hiện khả năng hấp thụ vốn của DN kém, các DN không có nhu cầu quá lớn để vay mượn tiền với lãi suất cao” - TS Nghĩa nói.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, TS Cao Sĩ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cũng cho rằng, bỏ trần lãi suất là hợp lý và cần thiết vì lạm phát giảm mạnh và tín dụng đang tăng trưởng âm. Ông không lo xảy ra khả năng đua lãi suất bởi các NH vẫn đang trong tình trạng không thể đẩy mạnh cho vay.
Trên thực tế, theo NHNN, động thái trên là cơ hội để các NH cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn và là bước đi để tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Cơ quan này cho rằng, với tình hình thanh khoản nói chung dồi dào, kỳ vọng lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng kém và các NH yếu đang được xử lý, thì sẽ không có lý do để các NH đẩy lãi suất dài hạn lên cao. “Lãi suất cao tất nhiên là không tốt cho nền kinh tế. Và nếu lãi suất cao sẽ dẫn đến tình trạng gậy ông đập lưng ông. Chính NH sẽ gặp khó vì lãi suất ngất ngưởng mà mình đưa ra”, một lãnh đạo của NHNN cho biết.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, phép thử này đã thành công, không có NHTM nào lãi suất huy động kỳ hạn dài cao hơn 12,5%/năm và quan điểm “trần lãi suất huy động là một giải pháp hành chính, sức sống của nó không thể dài được. Khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất” của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là một quan điểm phù hợp thực tiễn.
Lãi suất sẽ ít biến động đến cuối năm
Dự báo về tình hình tiền tệ 6 tháng cuối năm, một lãnh đạo NHNN cho biết, lãi suất có thể sẽ ít biến động. Với lạm phát dự kiến cả năm 2012 là dưới 9%/năm thì mức lãi suất huy động 9%/năm có thể sẽ được duy trì cho đến hết năm 2012. Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ thắt chặt và sự tin tưởng của thị trường vào điều hành chính sách. Vì thế, kịch bản lãi suất ổn định chỉ xảy ra nếu Chính phủ vẫn kiên quyết mục tiêu bình ổn vĩ mô và cam kết thực hiện với những hành động cụ thể và nhất quán.
Đáng chú ý, tỉ giá khó có khả năng biến động mạnh do: (i) Nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động NK chưa lớn do chưa bước vào chu kỳ sản xuất và nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đình trệ; (ii) NHNN sẽ thực hiện các biện pháp điều tiết để giữ ổn định cho VND nhằm phục vụ mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2012 là giảm lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong thời gian tới do mặt bằng lãi suất giảm và một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ phát huy tác dụng. Khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp có thể được cải thiện. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại và có thể tiếp tục tăng cao nếu Chính phủ không quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu.