Vừa nắng như đổ lửa, mấy hôm nay bất chợt lại mưa tầm tã khiến hàng ngàn tấn gạo trong các xe tải chờ thông quan xuất khẩu ở các cửa khẩu và lối mở biên giới tuyến Lào Cai có nguy cơ mốc, hỏng.
Nhiều tài xế xe tải mặt mũi hốc hác vì vạ vật, “cơm đường cháo chợ, ngủ cabin xe” hơn chục ngày qua tại khu vực này vừa mệt vừa rầu rĩ vì “đi không được, ở không xong”.
Gạo “dãi nắng dầm mưa”
Khoảng 9g ngày 24-4, trời mưa dầm dề, rét lạnh, chúng tôi có mặt ở “trọng điểm” xuất gạo sang Trung Quốc - cửa khẩu phụ Bản Quẩn, km 6 Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).
Không chỉ trong bãi tập kết của Công ty Minh Đức đã đầy ứ ôtô tải chở gạo loại lớn, phủ bạt kín mít, đỗ san sát mà ngay cả những bãi đất trống ven quốc lộ 70 hay những con đường cụt ở khu vực hai bên lối mở Bản Quẩn cũng đầy kín xe tải chở gạo phủ bạt, đỗ im lìm dưới trời mưa.
Những tài xế xe tải mặt mũi hốc hác vì thiếu ngủ, tá túc trong cabin xe hoặc những hàng quán cạnh đường.
Lái xe Lê Văn Thịnh trú mưa trong cabin chiếc xe tải loại bốn chân (bốn trục bánh) buồn bã: “Tôi chở gạo từ cảng Hải Phòng lên Lào Cai, đã nằm đợi tám ngày ở đây nhưng vẫn không xuất được hàng. Điện thoại về hỏi chủ hàng ở Hải Phòng, chủ bảo cứ nằm đợi, chứ quay về Hải Phòng thì bỏ gạo đi đâu?”.
Cạnh đó, lái xe Trần Văn Hưng quần áo nhàu nhĩ, râu ria lởm chởm trên khuôn mặt gầy gò, đôi mắt hõm sâu nói: “Cơm hàng cháo chợ cả tuần nay, thêm tiền lưu bãi đỗ đến cả triệu bạc mỗi ngày, chưa biết đến khi nào mới bán được gạo. Chuyến này cầm chắc lỗ lớn...”.
Theo Trạm biên phòng Bản Quẩn, khoảng hai tuần nay gạo xuất qua lối mở này cứ teo dần, nhỏ giọt rồi dừng hẳn do các thương lái, doanh nghiệp phía Trung Quốc không nhập hàng.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến hết ngày 30-3 tại cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát) có bốn doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tại lối mở Bản Quẩn có bốn doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Điều đáng nói là gạo xuất sang Trung Quốc không cần chứng nhận phẩm cấp, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, chỉ là thỏa thuận mua bán giữa thương nhân hai bên.
Do đó gạo ùn ùn đổ lên Lào Cai, tìm đường sang Trung Quốc.
Chưa biết bao giờ mới thông quan
Tuy nhiên từ đầu tháng 4, phía Trung Quốc bắt đầu tăng cường chống buôn lậu, siết lại các lối mở trên tuyến biên giới.
Các thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngừng nhập hàng khiến hàng nghìn tấn gạo bị ùn ứ, ách tắc tại Lào Cai. Bà Nguyễn Thị Bích Vượng - giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hưng Thịnh - cho biết kho gạo của các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải đã đầy ắp không còn chỗ chứa, nhiều doanh nghiệp phải để gạo tạm trên xe.
Bà Vượng than phiền các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa biết tính thế nào, nếu tình trạng cấm biên kéo dài thì hàng chục nghìn tấn gạo đã chở lên Lào Cai có nguy cơ mốc hỏng, các doanh nghiệp khó tránh khỏi phá sản...
Thống kê của Sở Công thương Lào Cai cho biết tại các kho chứa gần biên giới hiện tồn đọng hơn 20.000 tấn gạo, chưa kể số gạo còn nằm trên hàng trăm xe tải loại lớn ở các bãi tập kết hoặc đỗ tạm trên đường.
Ước tính số gạo tồn đọng, ùn tắc tại Lào Cai gần 30.000 tấn. Để tháo gỡ ùn tắc gạo tại cửa khẩu, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người dân, thương lái và cả doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hưng - phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - cho biết địa phương đã báo cáo Ủy ban Cửa khẩu của Chính phủ xin ý kiến xử lý.
Theo ông Hưng, hiện ủy ban này đã thống nhất sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra để lựa chọn các lối đi, qua đó tiến tới mở các lối đi để giải quyết vấn đề xuất khẩu gạo và các nông sản khác.
Tỉnh đã chọn được bốn điểm khác là Lũng Pô, Bản Quẩn, Na Lốc và một điểm nữa nhưng phía Trung Quốc không đồng ý. Nếu những lối mở trên được chấp thuận, tỉnh Lào Cai sẽ ra quyết định ngay để mở các điểm thông quan này, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và nông sản.
Cục Hải quan Lào Cai cho biết ngoại trừ cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (đường bộ và đường sắt), các cửa khẩu phụ chưa có sự thỏa thuận chính thức với phía Trung Quốc nên họ chưa công nhận cửa khẩu (chỉ coi là lối mở, lối mòn), chỉ bố trí lực lượng biên phòng làm việc.
Do vậy, các hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ gặp rất nhiều khó khăn khi phía Trung Quốc tăng cường quản lý biên giới.
(Nguồn tin:TTO)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn