Trong những năm qua, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng quan tâm thực hiện góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Ở nhiều địa phương, thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.
Hiện nay, TP Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động; có 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó, có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia xây dựng chuỗi. Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nhiều HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Hà Nội cũng đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh ATTP được đảm bảo hơn trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định.
Ông Lê Văn Hán, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín cho biết, trước đây, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng xã gặp rất nhiều khó khăn vì những khu chuyển đổi thường là những nơi xa, lầy lội không cấy lúa được, khó khăn trong giao thông đi lại. Các hộ phải tự tôn tạo bờ mương, máng để làm đường đi và rất nhiều khó khăn khác như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân huyện Thường Tín nên sau một thời gian hầu hết các hộ chăn nuôi lợn công nghiệp đã đưa được chuồng trại ra khỏi khu dân cư trả lại môi trường trong sạch cho thôn xóm.
Đến nay, trên địa bàn toàn xã đã có khoảng 50 trang trại chăn nuôi lợn từ vài chục đến vài trăm con. Tổng đàn lợn trên toàn xã có 8.000 con, thành lập được 2 nhóm chăn nuôi lợn an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap với 40 hộ Hội viên nông dân tham gia. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất được các hộ chăn nuôi rất chú trọng và thường xuyên.
Với sự hỗ trợ từ Hội Nông dân huyện và xã, việc chăn nuôi lợn ở xã Tô Hiệu đã trở thành một nghề mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ gia đình chăn nuôi, giải quyết được nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương và đóng góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Thanh Oai, ông Trần Văn Nhuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Hòa cho biết, trong vài năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết thay đổi bất thường, hệ thống kênh mương tưới và tiêu chưa đồng bộ, thiếu chủ động... Từ đó, dẫn đến tình trạng bỏ ruộng ngày càng phổ biến, bà con nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Theo thống kê của HTX nông nghiệp thì vụ chiêm năm 2019, xã Dân Hòa có khoảng 30 ha ruộng không canh tác.
Xuất phát từ thực tế đó, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn người dân chuyển sang mô hình trồng lúa chất lượng cao. Hỗ trợ người có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với diện tích lớn, tiêu biểu như hội viên chi hội thôn Tiên Lữ, hội viên chi hội thôn Trần Phú đã tiên phong đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê đất trên 10 ha để trồng rau chất lượng cao.
Có thể nói từ sự vào cuộc của các cấp hội từ các xã đến huyện và thành phố sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đảm bảo sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của nhà cung ứng… Ngoài ra việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho rằng, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời tới, Hội sẽ tập trung vận động, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng nhiều mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới; mô hình liên kết tiêu thụ nông sản.