Đó là những bất cập mà tiến sĩ Nguyễn Minh Tú - Vụ trưởng Vụ HTX - Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đề cập tại Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật HTX (sửa đổi) do Bộ KHĐT và T.Ư Hội NDVN tổ chức tại TP.HCM ngày 20.9.
Sản xuất bánh tráng tại HTX Làng nghề Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM). |
Năm nào cũng kiểm toán
Theo ông Tú, ND tuy tạo ra sản phẩm cơ bản nhưng lại không được chia sẻ lợi ích từ tiêu thụ và chế biến nông sản. Nhiều HTX còn lúng túng trong hoạt động, không rõ hướng đi. Tổ chức liên hiệp HTX chưa phát huy tác dụng, còn thiếu quy định về sự minh bạch trong kế toán, kiểm toán HTX...
Đồng tình với ý kiến của ông Tú, nhiều đại biểu cho rằng, trong thực tế các HTX không thực hiện kiểm toán hàng năm nên không thấy những điểm yếu, điểm mạnh trong quản lý để thay đổi, hoàn thiện mình. Điều này dẫn tới các HTX không biết cách khắc phục những sai lệch trong hoạt động để phát triển bền vững. Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về kiểm toán HTX định kỳ mỗi năm một lần với nội dung: "HTX có nghĩa vụ thực hiện kiểm toán bắt buộc và liên hiệp HTX giúp HTX kiểm toán bắt buộc. Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ HTX thực hiện kiểm toán bắt buộc. Kết quả kiểm toán là điều kiện để HTX được quyền hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí đăng ký HTX…".
Bàn về việc có nên xem HTX là doanh nghiệp hay không, bà Nguyễn Thị Loan- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội NDVN) cho rằng, không nên xem HTX là một doanh nghiệp, bởi thành viên HTX vừa là người chủ sở hữu vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX. Trong khi đó, với doanh nghiệp, thành viên chỉ là người góp vốn. Do đó, phải tách bạch để tránh chuyện "lách luật" nhằm thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước với HTX. "Việc phát triển mô hình HTX nông nghiệp là cơ sở tốt nhất để hình thành những "cánh đồng mẫu lớn" với sự tham gia của nhiều hộ ND ít đất. Qua đó, sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng” - bà Loan nói.
Con đường giúp dân làm ăn
Nhấn mạnh vai trò của Hội ND trong phát triển kinh tế tập thể, ông Nguyễn Thanh Long-Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang, nhận định, thời gian qua nhiều HTX hoạt động còn rời rạc, chưa đúng thực chất và chưa mang tính bền vững; nhận thức của ND về kinh tế tập thể kiểu mới vẫn còn nhiều hạn chế. Muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, ND không có con đường nào khác là tham gia kinh tế hợp tác và HTX. Hội ND phải làm trung tâm, nòng cốt tuyên truyền, giáo dục cho ND hiểu ý nghĩa, lợi ích của kinh tế hợp tác và HTX.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phong-Chủ tịch Hội ND An Giang, dẫn chứng: Ở An Giang, hơn 10 năm nay, tỉnh chính thức giao cho Hội ND chủ trì tổ chức cho ND sản xuất theo mô hình liên kết, hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 790 tổ liên kết sản xuất với 27.000 hộ ND tham gia dưới sự hướng dẫn của Hội ND. Nhờ đó, thu nhập năm 2009 của ND là 12 triệu đồng/người/năm, năm 2010 là 14 triệu đồng, năm 2011 là 16 triệu đồng. "HTX là con đường ngắn nhất giúp ND làm ăn phát triển, hạn chế rủi ro mà sản xuất riêng lẻ không thể làm được" - ông Phong khẳng định.
Đại biểu đến từ Hội ND Bình Thuận khẳng định, vai trò của Hội ND trong việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn như nội dung tại Điều 62 dự thảo Luật HTX đã xác định là hoàn toàn chuẩn xác.
Trọng Mạnh
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn