Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận cuộc họp
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đã có 16/28 tỉnh, thành phố có văn bản đề xuất danh mục dự án ưu tiên về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 12 tỉnh, thành phố đã thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên với tổng số phí hơn 6.400 tỷ đồng. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tổng số kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với các Dự án thuộc lĩnh vực thủy sản là hơn 380.000 tỷ đồng; Đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi về thuế đã được thực hiện; đã phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân. Trong đó, nâng cấp 34 chiếc; đóng mới là 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc. Sau hơn 5 tháng, đã có 6 hợp đồng tín dụng (của Ngân hàng Agribank và BIDV) với 6 chủ tàu có tổng vốn đầu tư 66,43 tỷ đồng, trong khi đó, tổng số tàu đánh bắt xa bờ cần phải thực hiện từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần.
Tuy nhiên, đa số các địa phương tập trung vào triển khai chính sách tín dụng vay vốn đóng tàu, chưa quan tâm triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã ban hành như: chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính sách bảo hiểm, vay vốn lưu động…; Hồ sơ, quy trình thẩm định vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động đối với các ngân hàng thương mại chưa được thống nhất; Công tác thẩm định dự toán để xác định giá trị bảo hiểm còn gặp khó khăn. Một số tàu cá đóng mới ít nhất mất khoảng 6 tháng, trong khi ngư dân không muốn đóng tàu kéo dài trong 2 năm. Do đó, ngư dân để sang đầu năm sau sẽ triển khai việc thực hiện đóng mới tàu.
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện được hưởng chính sách theo Nghị định 67; cho phép các ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại được tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của các địa phương nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay của các ngân hàng. Đồng thời, cho phép ngư dân đã có tàu tổng công suất 400CV trở lên được vay vốn nâng cấp để thực hiện một hoặc nhiều hạn mục đầu tư đồng thời như thay máy mới, gia cố vỏ bọc thép, bọc vỏ vật liệu mới, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải; bảo quản hải sản…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Nghị định 67 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mang tính lâu dài. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc nhanh cả về chính sách chế độ và triển khai thực hiện. Qua đó, đã đạt được kết quả rất tích cực. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu cần tiếp tục kiên trì mục tiêu chính sách đã đưa ra, phát triển sản xuất kết hợp bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ biển, hải đảo, tổ chức lại sản xuất nghề cá, khai thác thủy hải sản; Tích cực triển khai thực hiện đúng pháp luật và hết sức chặt chẽ, thực hiện đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân được vay mức theo quy định trong Nghị định 67.
Đối với yêu cầu phải có tài sản thế chấp khác để ngư dân vay vốn lưu động phục vụ từng chuyến đánh bắt xa bờ hay nâng cấp ngư lưới cụ, thiết bị đi biển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Thống đốc NHNN bằng thẩm quyền của mình xử lý việc này theo hướng cho ngư dân vay vốn theo tín chấp. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị cứ 6 tháng sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị định 67 một lần, đồng thời chuẩn bị tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để nghe và giải quyết nhiều hơn những khó khăn trong thực hiện.
Theo: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn